Công việc nào cũng sẽ có áp lực đè nặng, tuỳ theo lý do và mục đích phát triển mà mỗi người sẽ có nỗi niềm riêng. Với áp lực nghệ sĩ đó là một hệ quả tất yếu của sự nổi tiếng quá nhanh hoặc tâm lý chưa đủ vững vàng cho cái nghề trung tâm sân khấu.
Trải qua nhiều lứa học trò, cả nổi tiếng và mới chập chững theo nghề, gặp không ít trường hợp các bạn căng thẳng, âu lo khi bị dèm pha, chê bai, chỉ trích đến nỗi đôi khi căng thẳng và muốn bỏ nghề. Quý muốn chia sẻ đôi điều cho các học trò và các bạn đang muốn trở thành nghệ sĩ cũng như những ai yêu nghệ thuật và đang mong chờ sự nổi tiếng. Hãy giữ cho mình những giá trị và lời khuyên để đi xa hơn trong tương lai các bạn nhé.
1. Danh tiếng ảo không "ăn" được
Mình nhắc lại, danh tiếng là ảo và không “ăn” được, nếu có (với một số ít người), thì cũng khó đạt được sự bền vững nếu bạn không xây dựng trên một lộ trình, có kế hoạch, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng duy trì. Còn nếu bạn xác định đam mê và theo đuổi nghệ thuật thì việc sống được với nghề mới là giá trị quan trọng. Nhiều bạn trẻ vẫn cố bằng mọi giá để nổi tiếng, tuy nhiên, nổi tiếng bằng cách nào và mang lại giá trị gì, cho ai, trong bao lâu, là những điều cần phải tính đến.
Một số bạn nổi tiếng quá nhanh hoặc bằng những cách thiếu tính bền vững thì ngay sau đó nhận lại không ít những hệ quả ảnh hưởng về sau, trong đó có cả những áp lực lên gia đình mình và tương lai của chính mình. Bạn có nhớ đến những hình ảnh rùm beng một thời như Kenny Sang, Bà Tưng, Lệ Rơi, Tài Smile…? Đó là những nhân vật rất nổi tiếng trong thời điểm của họ và đã lặng lẽ biến mất không lâu sau đó. Trong thời điểm họ nổi lên, họ có thể đã kiếm được kha khá từ những show diễn, sự xuất hiện, từ nhà tài trợ, quảng cáo…, sau đó ít lâu, tất cả những thứ đó liệu có còn?
Đó là chưa nói đến những “gánh nặng” hình ảnh khi “chết tên” khiến bạn khó bắt đầu với hình ảnh mới thậm chí công việc mới. Đối với nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu cũng như thế. Bạn có thể nổi tiếng hôm nay, ôm trong tay cả đống danh hiệu, nhưng nếu không biết cách khai thác, bạn dễ dàng rơi vào tình trạng “chờ thời” hoặc trở thành miếng mồi cho nhiều đối tượng xung quanh ngành giải trí đa phương tiện xâu xé.
Một số bạn trẻ và cả những nghệ sĩ vì cảm giác “được like”, “được follow”, sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền hàng tháng để mua view, mua like, mua follow… Việc này có thể là tốt nếu đây là hành động để kích tâm lý người xem, kiểu như “Trang này nhiều follow chắc là trang của người nổi tiếng”. Thế nhưng, view ảo được tạo ra bằng các phương thức không tự nhiên. Người bấm like, người xem video không hẳn là người yêu thích status, hình ảnh, video của bạn và cũng dễ dàng nhận thấy, họ không phải là fan hay khách hàng tiềm năng. Nó chỉ là những thuật toán máy tính, hoặc cơ chế trao đổi like trên một nền tảng trung gian. Nó không thật và không mang lại cho bạn giá trị của ngành. Một số lượng like, follow, comment… nếu có, từ người hâm mộ thật thì trên thực tế cũng phai nhạt dần sau một thời gian nếu người nghệ sĩ đó ít tạo ra các tác phẩm mới, các hoạt động mới và các giá trị mới. Cuối cùng, cũng bị thay thế bởi các trào lưu của các nghệ sĩ trẻ hoặc các giá trị thay thế khác.
Là một người nghệ sĩ, bạn cần đầu tư vào sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị bản thân, xây dựng hình ảnh đẹp, văn minh, phù hợp với đối tượng khán giả, các thương hiệu, các sự kiện, các khách hàng phù hợp.
Mình hoàn toàn không phủ nhận việc truyền thông, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân, vì trên thực tế đây là việc hoàn toàn cần làm đối với bất kì ai muốn tiến xa trong lĩnh vực của mình. Bản thân mình vẫn phải xây dựng mỗi ngày để duy trình hình ảnh, uy tín và danh tiếng, tuy nhiên, giá trị bạn cần xây dựng phải dựa trên chất lượng nội dung, do đó, hãy làm tốt nhất phần gỗ rồi hãy đánh bóng phần gỗ đó, đừng chỉ lo bề ngoài mà quên mất giá trị cốt lõi bên trong.
Mình mong muốn các bạn trẻ yêu nghệ thuật và thế hệ học trò của mình nhận thức rõ điều này, để không tốn nhiều công sức, tiền bạc, thời gian, tuổi trẻ theo đuổi những thứ làm các bạn trì trệ tương lai hơn là đưa các bạn về phía trước.
2. Đừng quan tâm thiên hạ nói gì
"Thiên hạ" ở đây có 2 nhóm đối tượng:
Với nhóm một, không có chuyên môn. Bạn sẽ có một số lượng người luôn có ý kiến, phát biểu, cả khen lẫn chê, lên đến hàng chục triệu người ở Việt Nam và hàng tỉ người trên cả hành tinh. Bạn không thể đủ thời gian để lắng nghe và thay đổi theo cho phù hợp mọi mong muốn của họ, nếu không thể lơ đi, bạn sẽ cực kỳ nặng nề, căng thẳng và khó có thể tiếp tục các hoạt động nghệ thuật một cách hiệu quả sau đó nếu để các lời chỉ trích khiến mình tụt hứng, hoặc tích cực hơn là những lời khen có cánh khiến bạn tự tin quá về dự án của mình. Trong số những lời khen, chê đó đến từ người không có chuyên môn đa phần sẽ không phản ánh đúng thực chất vấn đề.
Ví dụ, họ có thể khen bài hát hay do yếu tố tâm lý lan truyền hoặc do các hoạt động truyền thông đã tác động trước đó. Họ cũng có thể chê bài hát dở chỉ đơn giản vì nó không đúng gu nhạc của họ hay vì họ không hiểu một ngụ ý nào đó từ lời hát, giai điệu, hòa âm…
Với nhóm hai, người có chuyên môn. Khi bạn nhận được những lời khen hoặc chê từ họ, việc này còn đau đầu hơn, vì rõ ràng họ có chuyên môn nên mặc nhiên điều họ nói có phần hợp lý, đúng đắn và đáng nghe. Tuy nhiên, có vài luận điểm sau đáng phải suy nghĩ:
- Một sản phẩm là kết quả của một chuỗi quy trình và công đoạn, đôi khi đánh giá chuyên môn ở kết quả của công đoạn này lại bắt nguồn từ một loạt các vấn đề đan xen trước đó, và có thể có mục đích cho những kết quả mà đôi khi ta cho là lỗi. Cho nên, nhiều khi các bạn nhận được lời khen/chê về sản phẩm của mình ở một khâu nào nó, khâu hòa trộn (mixing process) chẳng hạn, nhưng chưa chắc lỗi nằm ở khâu này vì có thể có lý do nào đó khác, nó có thể là việc cố tình để “lọt lỗi” khiến truyền thông dậy sóng do yêu cầu của giám đốc truyền thông. Đây cũng là tình huống điển hình của nhiều chương trình truyền hình thực tế như rò rỉ câu nói, hình ảnh nóng… của thí sinh này, đạo diễn kia, giám khảo nọ…
- Mỗi người có kiến thức chuyên môn riêng, ở một lĩnh vực riêng, dựa trên những kinh nghiệm, sách vở, trường lớp riêng nên cùng một vấn đề chắc chắn mỗi vị trí lĩnh vực chuyên môn cũng sẽ khác nhau. Thậm chí đôi khi cùng lĩnh vực nhưng khác trường phái thì góp ý hay phản biện cũng đã khác nhau nhiều. Cái này bạn sẽ thường thấy nhất là người chơi nhạc cổ điển sẽ chê nhạc nhẹ không uyên bác và người chơi nhạc nhẹ lại cho rằng nhạc cổ điển khó tiếp cận đại chúng trong thời đại này bởi tính cổ hủ. Cũng là âm nhạc nhưng mới hai trường phái khác nhau thì đã có những quan điểm khen chê nặng nhẹ rồi. Người chơi nhạc EDM sẽ muốn tiếng kick nó phải lực, độ lớn nhạc phải cao, có nâng lên tụt xuống thì nhạc mới phê. Người chơi indie sẽ cảm thấy các nguyên tắc, phương thức, logic trong âm nhạc và các mô hình quản lý âm nhạc là không cần thiết, “tui thích gì tui chơi đó, vậy nó mới chất”. Cho nên, ai cũng đúng ở góc nhìn của họ, mình thích thì mình làm thôi.
- Giờ nói tới trường hợp các chuyên gia nói đúng hoàn toàn hoặc các thánh phán. Bạn cần nhớ điều này, “người có chuyên môn thậm chí cao nhất cũng chưa chắc là người nói đúng, đánh giá đúng hoặc phán đoán đúng một vấn đề” – tui nói. Trường hợp rành rành là hãng thu âm Decca đã từ chối The Beatles với nhận xét: “guitar groups are on the way out”. (Tạm dịch: Các nhóm chơi ghi-ta giờ đã hết thời rồi) và “The Beatles have no future in show business,” (Tạm dịch: Nhóm The Beatles này không có tương lai trong kinh doanh sô chậu). Và tất nhiên, sau sự từ chối và phán xét này, The Beatles trở thành nhóm nhạc bán được nhiều đĩa nhất tại Mỹ, nhận 7 giải Grammy và một giải của Viện Hàn lâm âm nhạc. Tạp chí Time đã vinh danh The Beatles nằm trong top 100 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Bạn thấy đó, chuyên gia nói không phải lúc nào cũng đúng, lắng nghe để thấu hiểu, học hỏi và tiếp tục phát triển chứ đừng dừng lại hay lo âu vì những lời nói của bậc cao nhân.
3. Lắng nghe các góp ý, phân loại trước khi tiếp thu
Tất nhiên không phải bỏ mặc tất cả các góp ý, mà bạn cần phân loại trước khi tiếp thu và thay đổi. Có người nói không thích cách hát của bạn, hãy suy nghĩ xem, bạn có hạnh phúc, thoải mái với cách hát này không? Cách hát này có thể hiện cá tính và con người của bạn không? Người góp ý đó có thẩm mỹ hay chuyên môn âm nhạc phù hợp với phong cách bạn chọn không?… Hãy đặt ra nhiều câu hỏi, để xem lời đó phù hợp để mình thay đổi hay không.
Đôi khi lời góp ý là đúng nhưng thời điểm để thay đổi là chưa phù hợp thì bạn cũng có thể tạm gác qua, đưa vào danh sách chờ. Ví dụ, có người nói với học trò mình, nên đầu tư xây dựng hình ảnh đi, chứ em muốn làm ca sĩ mà không có hình ảnh thì không được. Mình nói thật, bao nhiêu người thật sự hiểu rõ cụm từ “xây dựng hình ảnh”. Nó không đơn thuần là tấm hình up lên mạng kèm vài status, nó cũng không phải là bào báo lá cải đăng theo kiểu giật tít tào lao “Hoa hậu A đi xe hơi tiền tỉ đến dự sinh nhật bạn trai”.
Hình ảnh cần phải được xây dựng theo một định hướng xa, vài năm là ít, dựa trên giá trị cốt lõi sẵn có của bản thân về ngoại hình và tài năng, định hướng tới khán giả, khách hàng mục tiêu của mình trong tương lai. Và, cả đống thứ đó, với mức chi phí một tháng 20 triệu là thật sự không đủ để xây dựng thì làm sao một người mới học hát vài bài, đi hát vài điểm nhỏ có thể đầu tư xây dựng bài bản. Câu trả lời là thời gian, sự ưu tiên những thứ quan trọng trước. Ví dụ, thay vì đầu tư đẹp lộng lẫy lung linh, chỉ cần đầu tư sự tươm tất, bài vở có chất lượng, tác phong làm việc, chuẩn bị, biểu diễn chuyên nghiệp là đã có một hình ảnh đẹp rồi đó, từ đó cát xê cao hơn tới lúc có đủ tiền chi trả cho nhiếp ảnh gia, cho stylist và cho một đống thứ khác…
4. Nghệ sĩ phải có chất riêng, không cần lúc nào cũng tiếp thu và thay đổi theo ý người khác
Dù người khác khuyên là đúng hết nhưng bạn cần soi lại mục đích sống và mơ ước âm nhạc của bạn, nếu nó không phải là mình thì tại sao cần phải đổi. James Brown, Elvis Presley, Michael Jackson lần đầu hát và nhảy trước khán giả chắc cũng bị chửi là trò khỉ cho đến khi nó thành một trào lưu để mọi người phải bắt chước theo, thế là sau đó gần cả nửa thế kỷ, chúng ta có những Backstreet Boys, N-Sync, Big Bang, Girls’ Generation.
Chất riêng của bạn là thứ quý nhất, nó hình thành từ văn hóa, lối sống, niềm tin, khát vọng, thần thái, kỹ năng… Đừng đánh mất nó vì những lời khen chê.
5. Hãy cống hiến và tạo ra giá trị, biến nghệ thuật thành bền vững
Là một nghệ sĩ, dù ở lĩnh vực nào, muốn phát triển bền vững, bạn phải cống hiến liên tục qua việc học hỏi không ngừng, duy trì sự sáng tạo, lao động bền bỉ và luôn tạo ra các tác phẩm ngày một có chất lượng, giá trị, giúp truyền tải cho hôm nay và ươm mầm cho tương lai. Điều này khiến tôi nhớ đến thế hệ diễn viên, nghệ sĩ gạo cội trước mình như nghệ sĩ Thành Lộc, nghệ sĩ Thanh Bạch,… họ vẫn đang làm việc, cống hiến mỗi ngày cho các giá trị nghệ thuật và gieo vào những thế hệ học trò một tâm thức đúng đắn về nghề nghệ thuật.
Tên tuổi họ vẫn luôn bền vững, đó là vì họ luôn biết cách tạo ra giá trị và cống hiến cho đời, cho đam mê mà họ theo đuổi, cho cái mà họ gọi là “Nghề” từ khi bước vào. Thế hệ nghệ sĩ trẻ như chúng ta, nhờ có internet và mạng xã hội, đã dễ dàng hơn các nghệ sĩ xưa rất nhiều, nhưng đa phần, chúng ta đang bị chìm đắm trong làn mây ảo của những hình ảnh đẹp lung linh nhờ ứng dụng xử lý ảnh, những MV tiền tỉ nhưng đôi khi rỗng tuếch về tâm hồn và giá trị bền vững, những phương thức tăng like, comment, view “dịch vụ”. Hãy thoát ra khỏi nó và bắt đầu cống hiến.
Còn nhiều góc nhìn nữa, nhưng tóm lại, bài viết này mang lại cho bạn 3 lời khuyên
- Bạn không cần lo lắng quá nhiều khi nhận phải những khen chê khi bắt đầu ra mắt sản phẩm âm nhạc của mình.
- Bạn luôn cần cải thiện để phát triển nhưng cần có sự chọn lọc.
- Bạn cần tạo ra giá trị thật hơn là tự mãn với các giá trị ảo.
Chúc các bạn bớt lo âu và giảm được áp lực nghệ sĩ khi đã bước vào con đường đầy ánh hào quang và sớm thành công với ước mơ nghệ thuật của mình.
Comments