Khi nhắc đến cái tên Blues này thì có lẽ những thế hệ 8x hay 9x Việt Nam thì chắc hẳn đã biết qua thể loại này. Dòng nhạc này đã góp 1 phần để tạo nên sự phong phú và đa dạng cho nền âm nhạc thế giới hiện nay. Và đã làm tiền đề để phát triển thêm nhiều dòng nhạc mới ở hiện đại.
I - Nhạc Blues Là Gì ?
Nhạc Blues có nguồn gốc từ những điệu hát ở miền Tây Châu Phi được các nô lệ người da đen mang sang Bắc Mỹ, đặc biệt là vùng châu thổ sông Mississippi (Mississippi Delta) tại miền Nam Hoa Kỳ. Cũng chính tại vùng đất mới này, điệu nhạc thô sơ này đã được phát triển thêm với các nhạc khí mới và trở nên rất phổ thông trong các cộng đồng nô lệ người Mỹ gốc Phi khi họ tụ tập với mục đích làm việc, gặt hái, tín ngưỡng hay tiêu khiển.
Dần dần nhạc Blues cũng được ưa chuộng bởi giới trẻ da trắng Hoa Kỳ. Từ đó nó đã có ảnh hưởng đến hầu hết các loại nhạc tại Bắc Mỹ: nhạc Jazz, Big bands, Ragtime, Rhythm & Blues (R&B), Soul, Rock and roll, nhạc Pop, nhạc đồng quê và ngay đến nhạc cổ điển của thế kỷ 20.
Nhạc Blues là dòng nhạc mang giai điệu nhẹ nhàng mà da diết, thể hiện nỗi buồn, tâm trạng u sầu của những người nô lệ da màu Mỹ Phi. Dòng nhạc này được biểu diễn lần đầu trong màn hài kịch được diễn vào năm 1798 của George Colman.
Điểm nhấn của dòng nhạc này là do cách thể hiện âm bass, sử dụng nhạc cụ hòa âm phối khí và lời bài hát với 1 câu hát được lặp đi lặp lại 4 lần trong bài.
Motif Blues – Hình thức âm nhạc (cách tổ chức một bản nhạc) của Blues có xu hướng tương đối đơn giản. Có lẽ dạng phổ biến nhất là 12-Bar blues, chỉ sử dụng ba hợp âm (I, IV và V) và lặp lại sau mỗi 12 ô nhịp hoặc quãng.
II - Nguồn Gốc Và Lịch Sử Phát Triển Nhạc Blues
Năm 1700, hàng triệu người dân Tây Phi và Trung Phi bị đem đi bán và làm nô lệ cho các chủ đồn điền ở vùng biển Caribe và nước Mỹ và đặc biệt là vùng châu thổ sông Mississippi. Trong cuộc sống tù túng bế tắc, họ đã dùng tiếng hò và những bài ca dao động để liên lạc, giữ nhịp điệu làm việc trên đồng ruộng.
Thông qua những câu hát đó, những nô lệ đã bày tỏ sự đau khổ và niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau nhiều tháng hát hò họ đã biết cách tạo ra tiết tấu và hòa âm bằng cách ngâm nga, vỗ tay, và sử dụng các nhịp điệu lặp đi lặp lại liên tục.
Năm 1862, sau khi bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ được công bố. Kể từ ngày 1/1/1863, tất cả mọi nô lệ ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ đều được tự do. Những người này đã di chuyển khắp các thành phố phía Bắc nước Mỹ và mang theo âm nhạc Blues của họ.
Bài hát Tiếng Cười (Laughing Song) được George W. Johnson sáng tác và ghi âm năm 1898 là bản nhạc đầu tiên bản tiền đề cho những ca khúc Blues khác. Bài hát này được quảng cáo là “nhạc da màu” và được phát trên chương trình quảng cáo dành riêng cho người da đen.
Sau đó, năm 1903, trong khi chờ tàu hỏa ở Mississippi, nhạc sĩ W.C Handy đã tình cờ nghe thấy được một người vừa hát vừa lướt một lưỡi dao trên cây đàn guitar âm thanh ấy đã tạo cảm hứng cho Handy viết một số bài dân ca Blues đầu tiên.
Tiếp nối sự thành công của George W. Johnson, bà Ma Rainey (1886-1939) – Một thành viên trong đoàn hát rong người da đen đã thu và biểu diễn lại những bản Blues kinh điển khắp thành phố nước Mỹ. Trong những năm 1920, bà là một trong các nữ ca sĩ đã thu thanh những bài Blues kinh điển của mình.
Chiến tranh thế giới thứ 2 là cột mốc đánh dấu sự đổi mới từ việc sử dụng các nhạc cụ mộc, đơn giản, cổ điển, Acoustic sang nhạc cụ điện tử (Electronic). Điều này là cơ hội lớn để mang nhạc Blues đến gần hơn với tất cả mọi người, đặc biệt là người da trắng. Trong những năm 1960 và 1970, một hình thức lai được gọi là Blues Rock phát triển (pha trộn phong cách nhạc Blues với nhạc Rock).
III - Những Phong Cách Của Nhạc Blues
1. Blues truyền thống hay còn gọi là đồng quê
Đối với phong cách này được phân thành nhiều nhánh nhỏ và mang trong mình những phong cách âm nhạc khác nhau.
Delta Blues:
Là loại hình xuất hiện sớm nhất với phong cách nhạc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ đơn giản như guitar và harmonica. Người khởi xướng phong cách này là Charley Patton. Một người đàn ông vuốt guitar ầm ĩ trong tư thế kì lạ và giọng hát khàn khàn cơ cực.
Texas Blues:
Là phong cách được phát triển trong những năm 1920 bởi Blind Lemon Jefferson. Người luôn hát nhạc Blues với giọng hát cao và thường chơi những đoạn guitar độc tấu trong bài hát của mình.
Memphis Blues:
Phong cách Blues này được ra đời vào những năm 1910 – 1930 bởi những nhạc sĩ sống ở Memphis. Loại hình này được biểu diễn với đa dạng nhạc cụ tự làm hoặc rẻ tiền như sáo kazoo, chậu thiết làm trống bass, chai lọ, acmonica,…
Piedmont Blues:
Là một phong cách chơi guitar bằng ngón tay tạo ra mô nhịp điệu của chuỗi âm trầm xen kẽ, đều đặn hỗ trợ giai điệu đảo phách bằng cách sử dụng dây treble.
Louisiana Blues:
Được phát triển vào sau Thế chiến II ở bang Louisiana. Phong cách này có kiểu đệm guitar đơn giản và tiết tấu chậm rãi, tạo nên cảm giác ảm đạm như báo hiệu điềm gở.
New Orleans Blues:
Là phong cách chịu ảnh hưởng nhiều của nhạc Jazz và Caribe nên nhịp điệu khá vui tươi. Thường người chơi phong cách này sẽ sử dụng piano hay kèn chứ không phải chơi bằng guitar hay harmonica như đại đa số các phong cách khác.
2. Blues điện tử
Chicago blues:
Là phong cách nhạc được ra đời vào những năm 1950 bởi Muddy Waters.Đây là cách thức sử dụng bộ tăng âm của guitar để chơi nhạc Delta blues cho ấn tượng hơn.
Blues Rock:
Là âm thanh của Blues rock kết hợp với nhạc blues ba hợp âm với tiết tấu boogie và phong cách rock and roll. Đây là phong cách được sáng tạo bởi Chester Arthur Burnett.
Soul blues:
Phát triển trong những năm 1960, đây là phong cách kết hợp giữa nhạc Soul, R&B (rhythm and blues), nhạc thánh ca gospel, và phong cách blues truyền thống. Tạo nên một giai điệu tuyệt vời khiến người nghe say đắm.
IV - Những Nhạc Cụ Đặc Trưng Của Blues
Thông thường, các nhạc cụ chính thường được sử dụng trong thể loại nhạc Blues bao gồm:
Bộ gõ đơn giản: Trống để tạo bass, các vật dụng trong đời sống cũng được tận dụng để làm nhạc cụ như chậu, thau,….
Kèn Harmoni rất hay xuất hiện trong các bản blues với chất nhạc đượm buồn, âm sắc độc đáo.
Guitar là nhạc cụ được sử dụng trong hầu hết các bản blues.
Ngoài ra từ sau thế chiến thứ hai các nhạc cụ như kèn sắc xô, trống điện,…. cũng được sử dụng nhiều.
Bên cạnh đó, Guitar (thường là điện), trống, bass đôi (pizzicato), Piano, Saxophone và các nhạc cụ bằng đồng (thường có câm). Bản hòa tấu này thường đi kèm với một giọng ca hàng đầu, nhưng họ cũng có cơ hội cho các bản độc tấu nhạc cụ.
V - Những Nghệ Sĩ Nhạc Blues Nổi Tiếng Nhất Mọi Thời Đại
1. B.B. King
B.B. King (1925 – 2015) sinh ra và lớn lên tại Itta Bena, Mississippi, Mỹ. Ông được mệnh danh là “Ông hoàng nhạc Blues” vì là người có nhiều đóng góp giúp dòng nhạc này phát triển như ngày hôm nay.
Trong sự nghiệp của mình, ông đã cho ra mắt một số Album nổi tiếng như The Blues (1958), King of the Blues (1960), To Know You Is to Love You (1973), Friends (1974), Love Me Tender (1982),… với các ca khúc nổi bật như The Thrill Is Gone, Three O Clock Blues, Happy Birthday Blues,…
Năm 2011, B.B. King từng được vinh danh ở vị trí số 6 trong danh sách 100 tay guitar vĩ đại nhất.
2. Mamie Smith
Có thể nói rằng Mamie Smith là một người nghệ sĩ đa tài. Bà là ca sĩ tạp kỹ, vũ công, nghệ sĩ Piano và diễn viên người Mỹ. Là một ca sĩ tạp kỹ, cô đã biểu diễn theo nhiều phong cách, bao gồm cả jazz và blues.
Năm 1920, bà đi vào lịch sử nhạc blues với tư cách là nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên thực hiện các bản thu âm nhạc blues. Bạn có thể tìm nghe Album Mamie Smith hoặc ca khúc nổi tiếng của bà như Crazy Blues, Dangerous Blues, Fare Thee Honey Blues, You Can Have Him, I Don’t Want Him Blues,…
3. W.C. Handy
William Christopher Handy (1873 – 1958) là một nhà soạn nhạc và nhạc sĩ người Mỹ, người tự gọi mình là Cha đẻ của nhạc Blues. Handy là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ và là người đầu tiên xuất bản nhạc ở dạng blues theo phong cách âm nhạc Delta Blues.
Handy’s Memphis Blues Band là một trong những album thành công nhất của ông. Ngoài ra các ca khúc The Memphis Blues, Yellow Dog Blues, Saint Louis Blues,… cũng chính là những ca khúc bất hủ trong sự nghiệp của ông.
4. Muddy Waters
Muddy Waters (1913-1983) là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ nhạc Blues người Mỹ, là một nhân vật quan trọng và thường được gọi là “cha đẻ của nhạc Blues Chicago hiện đại “. Với những đóng góp của mình, ông vinh hạnh được trao Giải thưởng Thành tựu trọn đời Grammy vào năm 1992.
Một số Album nổi tiếng nhất của ông là The Real Delta Blues (1974), Father of the Delta Blues (1992), Death Letter (1998). Ngoài ra bạn có thể tìm nghe các ca khúc nổi bật trong sự nghiệp của ông như Death Letter Blues, John the Revelator, Pony Blues,…
5. Son House
Edward James “Son” House Jr. (1902 – 1988) là một ca sĩ nhạc Delta Blues người Mỹ và là nghệ sĩ guitar, nổi tiếng với phong cách hát và chơi guitar slide đầy cảm xúc.
Một số Album trong sự nghiệp của ông có thể kể đến như The Real Delta Blues (1974), Father of the Delta Blues (1992), Death Letter (1998). Với các ca khúc nổi bật là Death Letter Blues, John the Revelator, Pony Blues,…
Năm 2017, đĩa đơn “Preachin ‘the Blues” của ông đã vinh dự được giới thiệu ở Đại sảnh Danh vọng The Blues.
VI - Những Bản Nhạc Blues Bất Hủ
The Memphis Blues – W.C. Handy
“The Memphis Blues” là một bài hát được WC Handy – Nhà soạn nhạc của nó mô tả như một “southern rag”. Bài hát được Handy tự xuất bản vào tháng 9 năm 1912 và được nhiều nghệ sĩ thu âm trong nhiều năm.
Maple Leaf Rag – Scott Joplin
“Maple Leaf Rag” là một tác phẩm âm nhạc ragtime đầu tiên dành cho piano do Scott Joplin sáng tác. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của Joplin, và trở thành hình mẫu cho các sáng tác ragtime của các nhà soạn nhạc tiếp theo.
Tác phẩm âm nhạc là một trong những phần nổi tiếng nhất của tất cả các phần ragtime. cũng nhờ vậy, Joplin được những người đương thời mệnh danh là “Vua của Ragtime”.
Crazy Blues – Mamie Smith
“Crazy Blues” là bài hát được đổi tên từ bài hát có tựa đề ban đầu là “Harlem Blues” năm 1918, được viết bởi Perry Bradford. Với các thành tích đáng nể như bán được 75.000 bản chỉ trong vòng một tháng phát hành,… Bài hát được trao giải Grammy Hall of Fame vào năm 1994
Three O’Clock Blues – B.B. King
“3 O’Clock Blues” hay “Three O’Clock Blues” được xem là ca khúc ra mắt của King một cách hiệu quả và vẫn là một phần trong các tiết mục hòa nhạc của ông trong suốt cuộc đời của ông. Đây là một bản nhạc blues 12 ô nhịp chậm được Lowell Fulson thu âm vào năm 1946. Khi được phát hành vào năm 1948, nó trở thành bản hit đầu tiên của Fulson.
Khi BB King thu âm bài hát này vào năm 1951, nó đã trở thành bản hit đầu tiên của ông cũng như là một trong những đĩa đơn R&B bán chạy nhất năm 1952.
Righteous Brothers – Unchained Melody
“Unchained Melody” là một bài hát phổ thông do Alex North phổ nhạc dựa trên lời của Hy Zaret. Đây là một trong những bài hát ghi âm nhiều nhất trong thế kỷ 20 với 500 phiên bản bằng hàng trăm thứ tiếng.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thông tin cho bạn biết nhạc Blues là gì và những điều thú vị về phong cách âm nhạc này.
Nguồn hình ảnh: Microsoft Bing
Tác giả bài viết: Huỳnh Sơn YT
Học viên thầy Đoàn Nhược Quý
Comments