Hào quang sân khấu sẽ không dành cho kẻ sợ ánh sáng. Cho dù bạn có tài năng “trời ban” nhưng không có bản lĩnh, sự tự tin thì mãi chỉ là viên ngọc thô chẳng thể tỏa sáng rực rỡ ít nhất một lần trong đời. Có một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận đó là, trở thành nghệ sĩ biểu diễn chính là con đường dễ nhất giúp bạn tiếp cận được với công chúng một cách nhanh nhất. Để làm được điều đó thì việc rèn luyện và xây dựng cho mình một kỹ năng trình diễn chuyên nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Vậy bí quyết để biểu diễn tự tin và tỏa sáng là gì? Cùng Đoàn Nhược Quý khám phá ngay bây giờ nhé.
1. Kỹ năng biểu diễn sân khấu là gì?
Kỹ năng là những khả năng, kiến thức cũng như năng lực mà một người có để áp dụng vào trong công việc của mình để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, nó còn bao gồm khả năng vận dụng kinh nghiệm và kiến thức của một người vào trong thực tế, học hỏi và thích nghi được với mọi tình huống.
Trong khi đó, biểu diễn sân khấu là việc mà nghệ sĩ sử dụng giọng nói, cơ thể và thần thái của mình vào việc trình diễn trước công chúng. Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau bao gồm: diễn viên, diễn viên hài, diễn viên múa, nghệ sĩ xiếc, ảo thuật, nhạc sĩ và các ca sĩ.
Như vậy, kỹ năng biểu diễn sân khấu là việc người nghệ sĩ vận dụng các kiến thức học được và năng khiếu bản thân để trình diễn trước công chúng. Thông qua đó, gửi gắm một thông điệp đến khán giả.
Kỹ năng biểu diễn có thể có sẵn “trong máu” của một nghệ sĩ khi học mới sinh ra. Nó gọi là tài năng thiên phú. Thế nhưng, lúc này, những gì họ thể hiện chỉ là bản năng.
Muốn trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì bạn phải biết học hỏi thêm các kiến thức, trải nghiệm thực tế thật nhiều và thực hành để có thể phát triển kỹ năng trở nên thành thạo. Điều này vô cùng quan trọng không chỉ trong sự nghiệp mà cả cuộc sống cá nhân của các nghệ sĩ. Bởi nó sẽ giúp họ thích nghi với mọi hoàn cảnh và tỏa sáng ở bất cứ đâu.
2. Những kỹ năng biểu diễn sân khấu cơ bản của một người nghệ sĩ chuyên nghiệp
Sau khi đã biết kỹ năng biểu diễn sân khấu của nghệ sĩ là gì, tiếp theo sau đây, hãy cùng chúng tôi liệt kê xem đó là những kỹ năng gì. Đồng thời, nhận biết xem bản thân mình đã có những gì để trau dồi và học hỏi thêm nhé.
2.1 Kỹ năng tạo ấn tượng ngay từ đầu
Hình ảnh xuất hiện đầu tiên của nghệ sĩ là yếu tố tác động không nhỏ đến thành công của buổi biểu diễn và điều đó thể hiện qua động tác chào. Việc chào khán giả không chỉ là phép lịch sự tối thiểu, thể hiện sự tôn trọng của người nghệ sĩ với khá giả của mình mà còn cho đối phương biết về trình độ của người nghệ sĩ.
Động tác chào khá đơn giản đó là người nghệ sĩ cúi người vừa phải, thả lỏng tự nhiên 2 tay dọc theo người. Hoặc chúng t a cũng có thể đưa tay phải lên ngực trái để biểu thị việc cảm ơn khán giả và hình ảnh của họ luôn trong tim người nghệ sĩ.
2.2 Kỹ năng quan sát không gian của buổi biểu diễn
Không phải lên diễn là chỉ chăm chăm làm hết vai trò, nhiệm vụ của mình như “trả bài” rồi xuống nhận catse được. Người nghệ sĩ phải có kỹ năng quan sát không gian xung quanh, phải biết khuấy động khán giả hưởng ứng theo mình đó mới là thành công.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong suốt quá trình biểu diễn, nghệ sĩ cần quan sát phản ứng của khán giả xem họ đang vui hay buồn, có hứng thú với những gì mình mang đến hay không. Từ đó, điều chỉnh và thay đổi không khí để giữ chân khán giả càng lâu càng tốt.
Trong quá trình tham gia biểu diễn, người nghệ sĩ hãy tận dụng tối đa các góc sân khấu để giao lưu và tiếp cận được với thật nhiều khán giả. Không chỉ đứng yên một số giữa sân khấu.
2.3 Kỹ năng dùng ánh mắt và chọn hướng nhìn
Khi tạo ra con người, tạo hóa khéo léo ban tặng cho chúng ta năm giác quan giúp bản thân có thể cảm nhận được tất cả những điều tuyệt vời trong cuộc sống. Đồng thời giúp nghệ sĩ thu hút và tạo ấn tượng với những người xung quanh.
Trong đó, đôi mắt được ví như “cửa sổ tâm hồn” giúp nghệ sĩ chạm đến trái tim của khán giả một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Thông qua đôi mắt, người nghệ sĩ thể hiện được trạng thái vui, buồn, hờn, giận, trăn trở, suy tư. Kết hợp với ngôn ngữ hình thể và giọng nói tạo nên sức hút đối với khán giả.
Nghệ sĩ có tự tin hay không, có thực sự đam mê hay không, có tôn trọng và yêu thương khán giả hay không tất cả đều thể hiện qua ánh mắt. Những ai thiếu tự tin sẽ thường không dám nhìn thẳng mà mắt dáo dác nhìn xuống sân khấu như tìm kiếm điều gì đó,
Kỹ năng biểu diễn sân khấu tốt là người nghệ sĩ phải chọn điểm nhìn phù hợp và kết nối với khán giả thông qua ánh mắt. Tốt nhất, hãy nhìn vào một điểm trên trán hay nhìn vào khoảng không gian ngay trên đầu khán giả. Như vậy, khán giả sẽ có cảm giác nghệ sĩ đang nhìn, đang giao tiếp với họ. Đồng thời, giúp nghệ sĩ giảm đi sự lo lắng và hồi hộp nhất là đối với các nghệ sĩ trẻ.
2.4 Kỹ năng trình diễn ngôn ngữ cơ thể
Nghệ sĩ trình diễn đang là danh xưng được nhiều người hướng đến. Một nghệ sĩ tài năng không chỉ làm tròn vai của họ. Ca sĩ không chỉ cần biết hát, diễn viên không chỉ nói thoại khô khan, nghệ sĩ không chỉ cần “vuốt ve” đôi tai của khán giả mà còn phải thỏa mãn cả đôi mắt của họ.
Như vậy, nghệ sĩ cần phải trau dồi và rèn luyện cho mình kỹ năng trình diễn đa di năng trong một tác phẩm. Phải biết kết hợp giữa giọng nói, tiếng hát của mình với ngôn ngữ cơ thể. Trong đó, bao gồm 3 nhóm trình diễn là:
Động tác minh hoạ: Người xưa có câu “Lời nào bộ ấy” có nghĩa là khi chúng ta phát ra lời như thế nào thì phải đi kèm với điệu bộ và động tác minh họa cho điều đó để người nghe nắm bắt một cách đầy đủ và nhanh chóng nhất. Ngoài ra, động tác minh hoạ còn giúp miêu tả hình tượng trong ca khúc hay biểu cảm trong lời nói.
Ví dụ như trong lời bài có chữ yêu thì đưa tay vào tim mình, lời bài hát là câu hỏi hay thể hiện suy nghĩ thì đưa tay làm điệu bộ đang thắc mắc. Hay khi diễn cảnh buồn, người diễn viên không chỉ nói mình buồn mà phải thể hiện qua ánh mắt, khuôn mặt.
Động tác biểu hiện: Khi biểu diễn, nghệ sĩ cần tận dụng ngôn ngữ cơ thể của mình để thể hiện lời bài hát một cách rõ ràng đến khán giả. Trong đó, đôi bàn tay chính là một bộ phận cực kỳ quan trọng. Nó thể hiện nhẹ nhàng, dứt khoát hay mạnh mẽ, thướt tha theo đúng dòng chảy của bài hát hay theo lời nói của diễn viên thể hiện nhiều sự tinh tế mà nghệ sĩ muốn gửi gắm.
Động tác vũ đạo: Động tác vũ đạo là ngôn ngữ cơ thể sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực âm nhạc và múa. Người nghệ sĩ sử dụng những động tác tuỳ theo nhịp điệu của tiết tấu để giúp khuấy động không khí biểu diễn một cách hiệu quả hơn. Những động tác này có chức năng giúp cho phần trình diễn của nghệ sĩ sinh động hơn, không yêu cầu một ý nghĩa cụ thể.
Không phải ai cũng có khả năng vừa hát vừa vũ đạo. Nhưng nghệ sĩ hoàn toàn có thể rèn luyện mỗi ngày. Ai nói Mỹ Linh, Hồng Nhung không thể nhảy? Đó chỉ là khi học chưa bộc lộ hết tài năng của mình mà thôi.
2.5 Kỹ năng trang điểm và trang phục trên sân khấu
Các nghệ sĩ hiện nay khi xuất hiện trước công chúng đều mong muốn mình xinh đẹp và nổi bật nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thuê stylist riêng cho mình. Vì thế, bạn cần phải có kỹ năng trang điểm và lựa chọn trang phục trên sân khấu.
Việc trang điểm và chọn trang phục cần phải dựa trên 2 yếu tố đó là hoàn cảnh biểu diễn và bài hát bạn thể hiện. Mặc dù không có quy định nào về kỹ năng này song nghệ sĩ biết cách chọn trang phục và trang điểm sẽ tạo được thiện cảm tốt hơn với khán giả của mình.
Ví dụ, khi biểu diễn nghệ thuật trong các chương trình chính trị, có nhiều đại biểu và khán giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nên chọn các trang phục kín đáo, trang điểm vừa phải. Ngược lại, nếu sự kiện đó dành cho các bạn trẻ và bạn thể hiện các ca khúc sôi động thì không nên bỏ qua trang phục gợi cảm một chút và có một vài điểm nhấn nhỏ để giúp quá trình biểu diễn thu hút hơn.
2.6 Kỹ năng xử lý Micro
Micro chính là thứ có thể nâng tầm hoặc hạ bệ nghệ sĩ nếu như bạn không có kỹ năng sử dụng nó hiệu quả. Việc rèn luyện kỹ năng này giúp cho nghệ sĩ trở nên lôi cuốn hơn và phiêu hơn trong bài hát của mình.
Không phải lúc nào chúng ta cũng để mic ở sát miệng. Phải lúc xa, lúc gần, lúc thì thảo, bỏ nhỏ, lúc hét lên cho thỏa nỗi nhớ. Nếu không biết làm chủ mic thì sao bài hát mượt mà được.
Một điển hình cho việc sử dụng mic được nhiều người biết đến đó chính là ca sĩ Phương Thanh. Chị kéo mic ra xa nhưng giọng hát vẫn rất vang và khỏe. Đó không chỉ đơn thuần là điều chỉnh âm thanh bắt vào mic mà còn sử dụng nó như một công cụ biểu diễn tạo nên bản sắc riêng cho mình.
2.7 Kỹ năng giao lưu với khán giả
Trong một lần biểu diễn, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh đã chia sẻ, anh cố gắng để học cách giao lưu cùng khán giả, ngoài hát thì còn có phần trò chuyện nữa. Nhiều người nghĩ rằng đó là sự ngây thơ, đơn thuần của một nghệ sĩ. Nhưng đấy chính là kỹ năng, bản sắc riêng của anh chàng này.
Hay như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Đen vì sao khi họ làm show có rất nhiều khán giả bỏ tiền ra mua vé. Không phải chỉ đơn thuần vì yêu quý tài năng mà còn muốn được nghe họi giao lưu và chia sẻ những câu chuyện của bản thân mình nữa.
Hay như khi đi xem các vở kịch hiện nay, khán giả yêu thích hơn và cảm thấy thú vị hơn khi diễn viên nương theo biểu cảm của khán giả để diễn. Và đặc biệt là diễn không theo kịch bản, hoàn toàn là các tình huống bất ngờ trên sân khấu. Điển hình như chương trình “Ơn giời! Cậu đây rồi” được nhiều khán giả yêu thích.
2.8 Kỹ năng xử lý sự cố sân khấu
Đang hát mà micro rơi thì phải làm sao? Nhảy mà bị ngã, bật nhầm beat có lời, khán giả ném đồ lên sân khấu hay thậm chí đang hát bị giằng micro thông báo tìm trẻ lạc thì nghệ sĩ cần làm gì? Đây là thực tế những tình huống, sự cố trên sân khấu mà nghệ sĩ đã gặp phải.
Là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, chúng ta cũng cần có kỹ năng để xử lý sự cố khi đang biểu diễn. Không có bất cứ trường lớp, sách vở nào dạy chúng ta mà hoàn toàn là dựa vào kinh nghiệm cũng như khả năng của bản thân. Vì thế, bên cạnh trau dồi kiến thức, nghệ sĩ cũng cần rèn luyện mình nhiều hơn nữa trong thực tế giúp “túi ba gang” kỹ năng của mình ngày một nhiều hơn.
3. Lợi ích và tầm quan trọng của kỹ năng biểu diễn sân khấu
Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của khán giả, một nghệ sĩ làm trong lĩnh vực nào đó không chỉ đơn thuần là thể hiện tốt vai trò của mình ở vị trí đó mà còn phải tích hợp được nhiều vai trò khác nhau biến mình thành nghệ sĩ biểu diễn đa tài. Có nghĩa là ca sĩ không đơn thuần chỉ cần biết hát mà còn có thể biết sáng tác, nhảy, dàn dựng hay có cách nói chuyện hài hước…
Từ đó cho thấy tầm quan trọng của các kỹ năng biểu diễn sân khấu đối với người nghệ sĩ. Nó sẽ giúp bạn:
3.1 Có thể đảm nhiệm tốt nhiều vai trò khác nhau
Mong muốn của tất cả các nghệ sĩ đó là được công chúng biết đến và công nhận khả năng của mình. Để có được điều đó thì bạn phải có khả năng xoay chuyển linh hoạt giúp bản thân đảm nhận được nhiều vai trò khác nhau. Từ đó, tạo nên sự khác biệt cho cá nhân.
Đừng bao giờ bó buộc bản thân trong một giới hạn. Đã là một người sáng tạo nghệ thuật thì hãy cứ trải nghiệm và khám phá, thử thách bản thân nhiều hơn biết đâu đó mới là con đường thực sự dành cho bạn.
3.2 Kỹ năng tốt giúp bạn có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp
Một nghệ sĩ có khả năng biểu diễn tốt sẽ có cơ hội phát triển bản thân, xây dựng hình ảnh riêng biệt và vững chắc trong lòng công chúng
Ví dụ để bạn dễ hình dung hơn đó là trong chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” mùa thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam vừa qua. Trang Pháp - cô gái vừa có khả năng trình diễn lại cộng thêm khả năng sáng tác và dàn dựng chuyên nghiệp khiến ai cũng phải công nhận tài năng. Từ các nghệ sĩ nổi tiếng như Mỹ Linh, hay các chị đẹp trong chương trình và cả khán giả. Bước ra khỏi cuộc thi cô ấy chiến thắng với giải thưởng cao nhất và đặc biệt là có bước tiến lớn trong con đường sự nghiệp của mình.
3.3 Kỹ năng biểu diễn giúp nghệ sĩ thích ứng với nhiều hoàn cảnh
Như chúng ta đều biết thì nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ có cơ hội được biểu diễn ở nhiều nơi khác nhau. Trong mỗi hoàn cảnh đòi hỏi họ phải có cách thể hiện, ứng xử khác nhau.
Khi bạn trình diễn trước hàng ngàn khán giả trẻ, bạn phải biết cách khuấy động không khí sân khấu, để họ hòa theo cùng với bạn đó chính là thành công. Ngược lại, nếu có cơ hội biểu diễn trong một chương trình mang tính chính trị thì sự điềm tĩnh, chuyên nghiệp mới là điều giúp bạn ghi điểm.
3.4 Có kỹ năng biểu diễn tốt giúp nghệ sĩ biết cách tận dụng tối đa những gì mình có
Không phải nghệ sĩ nào cũng toàn năng. Và trên thực tế, người nghệ sĩ giỏi là người biết mình có gì để phát huy một cách tối đa. Đồng thời, không ngừng học hỏi và trau dồi để hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày.
Vì sao Chi Pu bị chê tơi tả về giọng hát nhưng vẫn có show, vẫn được mời biểu diễn, thậm chí fan ngày càng đông? Cô ấy chính là ví dụ điển hình cho thấy lợi thế và tầm quan trọng của việc có kỹ năng biểu diễn sân khấu của nghệ sĩ.
3.5 Người có kỹ năng biểu diễn biết cách truyền cảm hứng
Nghệ sĩ có kỹ năng biểu diễn cũng là người có tâm hồn phong phú. Họ thể hiện ra bên ngoài thông qua những tiết mục của mình. Từ đó, trao niềm tin đến cho những người xung quanh. Chữa lành cho những tâm hồn đang bị tổn thương.
Đâu phải ca sĩ nào, nghệ sĩ hài nào, diễn viên nào khi biểu diễn cũng được khán giả đón nhận. Thậm chí nhiều người còn tắt ti vi khi thấy một nghệ sĩ nào đó nhưng lại luôn ủng hộ một cái tên khác. Điều đó tùy thuộc vào tình cảm và khả năng truyền cảm hứng của các nghệ sĩ.
3.6 Có kỹ năng giúp nghệ sĩ đọc được tâm tư người khác
Đây mới chính là điểm mấu chốt giúp nghệ sĩ này khác biệt với nghệ sĩ khác. Vì sao Sơn Tùng M-TP ra bài nào hot bài đó? Vì sao Hà Anh Tuấn chẳng ra bài mới, mở show vẫn hot? Vì sao Trấn Thành ra phim dù nhiều người không thích vẫn âm thầm mua vé đi xem và công nhận tài năng?
Đó là nhờ vào tài năng của mỗi người nghệ sĩ giúp họ dễ dàng nắm bắt tâm tư người khác, đánh trúng tâm lý khán giả và đưa đến cho họ “món ăn” hợp khẩu vị. Điều này là cả một quá trình và bạn cần phải biết cách học hỏi, trau dồi kỹ năng của bản thân nhiều hơn.
Có thể thấy kỹ năng trình diễn sân khấu của người nghệ sĩ là vô cùng quan trọng. Nó giúp mỗi nghệ sĩ tạo được nét riêng trong lòng khán giả. Từ đó, xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong thị trường âm nhạc vô cùng sôi động và liên tục thay đổi như hiện nay.
תגובות