Lễ hội là một nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc, là nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong đời sống của con người. Thông qua đó, thể hiện khát vọng trở về cội nguồn, sự sáng tạo văn hóa của nhân dân. Trong đó, không thể không kể đến kho tàng lễ hội phong phú và đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số. Cho đến nay, nhiều địa phương vẫn còn lưu giữ lễ hội truyền thống văn hoá quý báu của các dân tộc thiểu số. Hãy cùng dạo “Một vòng Việt Nam” và hòa mình vào những lễ hội đặc này nhé.
1. Lễ hội truyền thống – Giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc
Sinh hoạt lễ hội là hoạt động văn hóa mang nét đặc trưng của một dân tộc, vùng miền. Nó có mặt ở trên khắp mọi miền của đất nước, len lỏi trong đời sống của mỗi người dân.
Nguồn gốc ra đời của các lễ hội từ cách đây hàng nghìn năm và cho đến nay vẫn được bảo tồn và duy trì. Các lễ hội của Việt Nam nói chung và lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thường hướng tới một đối tượng thiêng được nhân dân suy tôn thánh thần. Vị thần này hội tụ mọi phẩm chất cao đẹp của một con người. Từ đó, giúp con người ta nhớ về cội nguồn, hướng đến chân - thiện - mỹ và tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.
Theo thống kê, trên cả nước hiện có 7.966 lễ hội. 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S mỗi nơi lại có một lễ hội truyền thống riêng, gắn liền với phong tục, tập quán và tín ngưỡng văn hóa, lao động sản xuất của họ.
Việc bảo tồn lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số đang là vấn đề được đặt ra hiện nay. Để góp phần vào điều đó, hãy cùng khám phá 6 lễ hội tiêu biru của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong phần tiếp theo của bài viết nhé.
2. Những lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Có vô vàn các lễ hội khác nhau của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu để liệt kê hết thì chắc chắn chỉ một bài viết nhỏ này chắc chắn là không đủ. Trước hết, hãy cùng đến với những lễ hội tiêu biểu sau đây nhé.
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày
Nhắc đến lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cái tên đầu tiên chắc chắn nhiều người biết đến đó chính là lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày. Lễ hội Lồng Tồng còn được gọi là lễ hội xuống đồng. Nó quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Sán Chỉ....
Đúng như cái tên của nó, lễ hội này được người Tày tổ chức tại những thửa ruộng tươi tốt nhất và to nhất ở trong làng. Ý nghĩa của lễ hội Lồng Tồng đó là mong muốn cầu trời cho một năm mưa thuận gió hòa. Từ đó, giúp cho cây cối phát triển tươi tốt, cho người dân có một mùa màng bội thu và đời sống ấm no, hạnh phúc.
Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào nghiên cứu về thời gian xuất hiện lễ hội. Nhưng theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ hội được sinh ra từ khi người Tày tập trung, sinh sống thành làng bản quần cư.
Người Tày ở mỗi nơi sẽ lại tổ chức lễ hội Lồng Tổng vào những thời gian khác nhau. Thông thường là vào tháng Giêng để khởi đầu một mùa xuân, một năm mới thật mỹ mãn.
Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn
Nếu bạn là người yêu thích những lễ hội đặc sắc của Việt Nam, muốn trải nghiệm cảm giác mạo hiểm nhưng vô cùng mãn nhãn thì xin mời bạn đến với lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Hàng năm, sau khi mùa màng đã được thu hoạch xong, nhân dân có khoảng thời gian nông nhàn là khi đó, lễ hội truyền thống nhảy lửa được tổ chức.
Đến với thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, vào ngày 16.10 (âm lịch) trong cái lạnh chớm đông, bạn sẽ được hòa mình vào màn nghệ thuật biểu diễn đặc sắc của các chàng trai người Pà Thẻn.
Về nguồn gốc của lễ hội này có phần hơi ma mị một chút khi nó gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng. Vào khoảng 8 giờ tối, thấy cúng sẽ bày lễ vật lên mâm, sau đó thắp nến và hương để làm lễ.
Khi tiếng nhạc bắt đầu nổi lên kết hợp với những lời khấn của thầy cúng, sau 20 - 30 phút, du khách sẽ thấy cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên và ánh mắt cũng trở nên khác lạ. Đặc biệt, đầu của họ sẽ lắc qua lắc lại... Đó chính là dấu hiệu thông báo họ bắt đầu màn nhảy lửa của mình.
Lúc này, những chàng trai sẽ lao mình vào đám than hồng đã được chuẩn bị sẵn và nhảy, đá than lên liên tục để tạo thành những màn pháo hoa đặc sắc và đầy biến hóa. Không một ai có thể lý giải nổi vị sao lúc đó, họ lại lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Nhưng nó khẳng định vì sao Nhảy lửa của người Pà Thẻn lại là lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Lễ hội đua bò kéo bừa ở An Giang
Xuôi dọc xuống vùng đất miền Trung của dải đất hình chữ S, chúng ta đến với lễ hội đua bò kéo bừa của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây được đánh giá là một nét sinh hoạt văn hóa vô cùng độc đáo của vùng Bảy Núi, An Giang.
Hằng năm, cứ vào dịp lễ Đôn ta của người dân tộc Khmer (khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch) là người dân lại nô nức tham gia lễ hội. Các chủ bò tích cực “săn” các đôi bò khỏe mạnh và lựa chọn các chàng trai lực lưỡng để tiến hành tập dượt trước khi thi đấu.
Khi bước vào trận đấu, mỗi đôi bò sẽ phải kéo theo một cái bừa. Thi đấu theo thể thức loại trực tiếp 2 đôi đấu với nhau từ lòng loại đến tứ kết, bán kết rồi chung kết. Sẽ có 2 vòng chơi là vòng hô và một vòng thả.
Thông qua lễ hội giúp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh An Giang. Đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Đôn ta. Từ đó, giúp quảng bá hình ảnh đua bò Bảy Núi để thu hút khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại nước ta.
Hội đua voi của người Tây Nguyên
Tháng ba mùa núi rừng sôi sục
Tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên
Tháng 3 cũng là tháng mà lễ hội đua voi của người Tây Nguyên diễn ra. Đây được biết đến là một lễ hội độc đáo tại vùng đất đầy nắng và gió này.
Thông thường, hội đua voi diễn ra ở Buôn Đôn. Có năm, ban tổ chức lại thực hiện lễ hội ở những cánh rừng già nằm ven dòng sông Sê Pốc (ở Đắk Lắk).
Những chú voi to, khỏe và nhanh nhẹn sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng để tham gia đua. Trước khi vào cuộc đua, người điều khiển sẽ tiến hành thổi tù và vút lên. Sau đó, người trong ban tổ chức sẽ hướng dẫn voi vào đúng vị trí xuất phát để bắt đầu thi đấu.
Tiếng tù và tiếp theo vang lên cũng chính là hiệu lệnh xuất phát. Những chú voi sẽ tiến về phía trước để thi xem con nào sẽ về địch đầu tiên. Cùng với đó là tiếng chiêng, trống và tiếng hò reo cổ vũ của người xem ầm vang cả núi rừng. Tất cả tạo nên một lễ hội độc đáo, thú vị chỉ có tại vùng đất đỏ bazan này.
Có thể thấy, kho tàng lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Chắc chắn còn rất nhiều lễ hội độc đáo khác nữa mà trong thời lượng của một bài viết chúng tôi không thể giới thiệu hết được đến bạn. Nhưng hy vọng với 1 góc nhỏ này đã giúp giới thiệu và quảng bá hiệu quả hơn cho văn hóa của Việt Nam.
Biên tập và tổng hợp bởi đội ngũ Thầy Đoàn Nhược Quý dựa trên Kiến Thức, Trải Nghiệm Văn Hoá - Nghệ Thuật - Âm Nhạc của Thầy Đoàn Nhược Quý trong dự án Lifelong Learning nhằm mục đích tìm hiểu, bảo tồn, phát huy, kết nối và chia sẻ kiến thức Văn Hoá - Nghệ Thuật - Âm Nhạc đến các Học Viên Thầy Đoàn Nhược Quý trong Chương Trình Phát Triển Nghệ Sĩ Online 1 kèm 1.
Comentarios