Có thể nói rằng, khi nhắc đến các thể loại phim về lịch sử, phim tài liệu chiến tranh, thì những bài nhạc lồng vào các phân cảnh đều cần sự chỉnh chu từ câu từ đến giai điệu. Dự án OST SẮT | Việt Sử Kiêu Hùng là một trong những thử thách với các nhà sản xuất âm nhạc, tuy nhiên đối với Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý thì cho rằng đây là một cơ hội lớn để phát hành một tác phẩm thể hiện tính tự hào dân tộc trong suốt thời chiến vì vậy Lửa Thiêng Thành Đa Bang chính là thành công lớn trong lòng người dân.
Cơ duyên làm việc và hợp tác
Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý may mắn được nhận lời mời tham gia dự án của Đạo diễn Tuấn Anh Huỳnh (phim Lô Tô, Phượng Khấu, Ngôi Nhà Bươm Bướm,..). Ngay khi nghe những thông điệp, nội dung mà dự án muốn truyền tải, cùng với đó là lòng yêu thích với lịch sử đất nước. Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý không cần tốn thời gian suy nghĩ, anh đồng ý và hết mình trong quá trình sản xuất bài hát.
Lửa Thiêng Thành Đa Bang là một sản phẩm được sáng tác bởi Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý và hoà âm phối khí bởi Nhạc sĩ Trường Lê. Bởi vì tính chất nhạc sử thi nên khoảng thời gian hai nhạc sĩ làm việc với nhau đều kéo dài đến tận khuya, để từng yếu tố bài hát như là nhạc cụ, hiệu ứng âm thanh, lời ca, âm thanh voi ngựa, âm thanh cuộc chiến thực tế,... đều được đẩy lên mức cao trào nhưng đọng lại cực kì nhiều cảm xúc.
Để tạo ra phần nhạc chủ đề của Hồi 2: SẮT, những thành phần như tiếng kèn, tiếng súng, âm thanh lửa cháy và tiếng của binh khí, hành quân đóng vai trò cực kì quan trọng. Và phần viết lời cũng được lưu ý sâu sắc để dùng ngôn từ phù hợp với hoàn cảnh thời bấy giờ.
Lửa Thiêng Thành Đa Bang - Đậm chất chiến tranh sử thi
Xuyên suốt bài hát ta có thể nhận ra một ngọn lửa được cháy rực, là ngọn lửa thiêng của Hồn Đất Việt. Dù vậy, đây không chỉ đơn giản là ngọn lửa đánh trận, đó là ngọn lửa tinh thần truyền qua dân tộc, mặc cho thất bại và mất nước nhưng ngọn lửa ấy vẫn truyền qua thế hệ sau, thay vì tinh thần thì là ngọn lửa đại diện cho sự bất khuất dân tộc, khiến cho thế hệ sau đứng lên khởi nghĩa giành lấy độc lập cho Tổ Quốc.
Điểm đặc biệt, trong ca từ thì thay vì điệp khúc của các bài sử thi ngày xưa sẽ đại khái là kể câu chuyện, kể về thời chiến nhiều hơn, nhưng với tác phẩm Lửa Thiêng Thành Đa Bang, Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý chỉ chọn một từ duy nhất là từ Sát, lặp đi lặp lại cùng giai điệu dũng mãnh. Bởi quan điểm của nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý rằng ở chiến trận không có thời gian nói chuyện với nhau nhiều mà ra trận là chỉ diệt địch, vì vậy chỉ có "Sát". Điệp khúc được viết ở tone cao, từ "Sát" như được kêu gào như một cách của một tướng lĩnh, binh sĩ bước ra chiến trận cầm cây kiếm tiến tới kẻ địch.
Cũng trong đoạn điệp khúc ấy, bản phối đã sử dụng hoà âm căng thẳng thay vì hoà âm thường hay hợp âm vòng. Chủ yếu là sử dụng các hợp âm Diminished để tạo nên cảm giác kịch tính, ghê rợn. Ngoài ra, mong muốn tăng thêm sự hùng cường, Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý và Nhạc sĩ Trường Lê đã sử dụng các âm thanh mang tính tượng hình, như tiếng voi, tiếng tre nứa, tiếng binh khí, thay vì dùng trống thường thì dùng tiếng kèn ngà, tù và, cả tiếng bước chân của các binh sĩ khi dậm lên mặt đất để chạy chiến.
Hãy cùng phân tích sâu vào lời ca để thấy được Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý thật sự dồn tâm huyết vào dự án lần này. Ngay từ câu đầu tiên Ngâp trời hùng binh đất Việt, đây là ý nói về những binh sĩ ngàn năm anh dũng, phong cách viết bài nhạc của anh chàng Nhạc sĩ trẻ sẽ là dùng những từ cô đọng, không là những từ đại trà. Xám đất lửa thiêng Thành Đa Bang mang nghĩa lửa đã cháy hết một bãi đất rồi, thứ còn lại chỉ là tàn tro với một màu xám ảm đạm. Qua lời 2, câu hát này còn sử dụng từ Hồn Đại Việt thay thế từ Thành Đa Bang, bởi Thành Đa Bang dính liền đến cái chết của hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn binh sĩ nên mang hàm ý con người Việt đã hy sinh, những Hồn Đại Việt anh dũng.
Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý còn sử dụng câu đối nhau Ngàn dặm ngàn dặm này sơn hà cõi thiêng - Mênh mông, mênh mông đất nước nam vạn năm nhằm mang tính hẹp và rộng đối lập. Cả những khoảnh khắc nhìn lại, Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý sử dụng từ láy nhấn mạnh Ầm ầm gầm trời hùng binh chiến thần, bây giờ nhìn lại những người chiến sĩ đã mất, nhưng vào thời điểm đó họ chính là những người anh hùng. Bài hát tạo cảm giác cho người nghe tưởng chừng binh lính vẫn còn đây nhưng thực chất đã hy sinh, một cảm giác trộn lẫn giữa thực tại và ngày trước.
Điểm khác lạ nữa trong sản phẩm của dự án nhạc phim mà Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý thực hiện lần này, chính là đoạn kết. Ở các ca khúc khác, đoạn kết là đoạn điệp khúc của bài, nhưng Lửa Thiêng Thành Đa Bang, kết thúc bằng chính đoạn Bridge mà không lặp lại hay chuyển qua điệp khúc. Và đoạn kết này được hát với cảm xúc u uất, bởi những Thần công đại pháo, Hùng binh dũng tướng, Trường thành vạn tượng trước đó mọi thứ đều nguy nga, hùng dũng, hiện tại tất cả chỉ nhìn thấy sự điêu tàn. Ngút trời lửa thiêng đã thiêu rụi toàn bộ, lửa này vừa là sự mất mát nhưng cũng chính là sự tiếp nối cho đời sau.
Lời ca khúc OST SẮT | Việt Sử Kiêu Hùng
LỬA THIÊNG THÀNH ĐA BANG
Sáng tác: Nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý
Hoà âm phối khí: Nhạc sĩ Trường Lê
Ngập trời hùng binh đất Việt
Xám đất lửa thiêng thành Đa Bang
Ngàn dặm ngàn dặm, này sơn hà cõi thiêng
Mênh mông mênh mông, đây nước nam vạn năm
Ầm ầm gầm trời, này hùng binh chiến thần
Khói lấp mây cao, đây lửa thiêng hồn Việt
Sát....
Sát....
Sát...
Sát...
Thần công đại pháo
Hùng binh dũng tướng
Trường thành vạn tượng
Ngút trời lửa thiêng...
Dự án đã được thực hiện cực kì chi tiết và kĩ lưỡng trong từng khâu sản xuất. Mong rằng quý vị khán giả thông qua ca khúc có thể dâng trào tính tự hào dân tộc Việt Nam, mang lòng yêu nước chiến đấu với kẻ địch có ý xâm lấn, cũng như tuyên truyền các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh về Sử Việt hào hùng, kiêu hãnh của đất nước mình.
Comments