Thời buổi hiện nay người ta thường tìm cách ghi chép thông tin sao cho thông minh để dễ dàng ôn tập kiến thức và nhanh chóng tìm lại khi cần. Trong âm nhạc cũng thế, nếu như bạn không note kĩ lại các kiến thức thì rất nhanh ngày hôm sau bạn sẽ quên mất các kĩ thuật Thanh nhạc cần lưu ý, hay những thao tác mix/master một bản thu âm... Cho nên thay vì luôn dùng điện thoại để ghi âm lại hay quay video, bạn cần nên tìm hiểu các phương pháp ghi chú hiệu quả sau đây để xem lại các nội dung mình đã được giảng dạy, hướng dẫn. Và hãy nhớ rằng, thông tin khi ghi chú ta sẽ cần chọn lọc, chỉ nên chú trọng vào các điểm quan trọng các bạn nhé. Dưới đây là một số phương pháp mà mình đã và đang sử dụng, mong rằng có thể giúp các bạn nâng cao sự tập trung khi hệ thống được kiến thức hiệu quả.
1. Phương pháp Outline
Đây là phương pháp đơn giản và cũng được các bạn trẻ sử dụng nhiều nhất bởi độ quen thuộc, dễ dàng ghi chú. Phương pháp này tương tự như khi bạn cần làm dàn ý cho một bài văn, bạn cần có tiêu đề, mục lớn, mục nhỏ, nội dung chính theo các gạch đầu dòng. Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian tìm kiếm chỉnh sửa, cũng như được sắp xếp theo một cấu trúc khoa học.
Cách thức ghi chú: bạn cần có tiêu đề cho nội dung cần trình bày, sau đó chia nội dung làm các phần, trong mỗi phần sẽ có các gạch đầu dòng đại diện viết các ý phụ bổ trợ cho ý chính của bài. Xem hình phía dưới để chi tiết hơn.
Outline sẽ giúp các bạn làm nổi bật thông tin chính, đồng thời việc chia thông tin theo từng dấu gạch ngang sẽ dễ dàng xem lại, giảm thời gian chỉnh sửa, giúp bản ghi chú có cấu trúc rõ ràng, rành mạch.
2. Phương pháp Cornell
Đây là một phương pháp ghi chú độc đáo tìm thấy ứng dụng của nó trong nhiều tình huống khác nhau. Phương pháp ghi chú này được phát minh bởi Giáo sư Walter Paul của Đại học Cornell vào những năm 1950. Điều khác biệt nó với các phương pháp khác là bố cục trang. Phổ biến để ghi chép, sắp xếp và tóm tắt các ghi chú. Phương pháp này thường mang lại kết quả hiểu tổng thể tốt hơn.
Cornell thường chia một trang giấy làm 3 hay thậm chí là 4 phần, với 1 hàng ở đầu trang, 1 hàng ở dưới cùng và 2 cột ở giữa. 30% diện tích trang giấy sẽ dành cho cột bên trái và 70% còn lại dành cho cột bên phải. Tất cả các ghi chú khi được hướng dẫn bạn sẽ ghi vào vào cột ghi chú chính ở bên phải. Cột nhỏ hơn ở phía bên trái là dành cho từ khóa và câu hỏi - bạn có thể nghĩ đến phần này để ghi lại các gợi ý và lời nhắc về tài liệu cũng như dàn ý giúp bạn xác định chính xác nơi bạn đã ghi lại từng thông tin, hoặc để bình luận, các bài tập thực tế.
3. Phương pháp Boxing
Như cái tên của nó, mình sẽ ghi chú bằng cách đóng hộp các thông tin, kiến thức lại trong trang sách của bạn. Mỗi hộp sẽ tương ứng với một nội dung bạn cần lưu trữ lại. Theo cách này, bạn có thể chỉ cần viết ra các ghi chú như bạn thường làm và sau đó sắp xếp lại chúng rồi gán chúng vào các hộp cụ thể.
Boxing sẽ giúp các bạn dễ dàng liên kết các nội dung lại theo chủ đề của từng hộp, ghi nhớ các mối quan hệ giữa các ghi chú. Đồng thời độ tập trung khi xem lại nội dung của các hộp cũng được nâng cao.
4. Phương pháp Charting
Phương pháp Charting là một phương pháp tạo bảng, sẽ phù hợp với việc ghi chép các loại dữ liệu dưới dạng dữ kiện và thống kê, cần phải học thuộc lòng. Thông tin sẽ được sắp xếp thành nhiều cột, tương tự như một bảng tính và mỗi cột đại diện cho một danh mục.
Khi cần chuẩn bị cho kì thi hay phần thuyết trình, thì đối với những nội dung thông tin dạng nặng như là có các thống kê dữ liệu, những con số, sử dụng phương pháp Charting để tạo ghi chú sẽ cực kì tiện lợi cho việc hiểu sâu, học nhanh. Nhưng không khuyến khích sử dụng Charting để ghi chú khi đang trong thời gian buổi học, bởi vì việc tạo cột tạo biểu đồ sẽ khá mất thời gian, như vậy sẽ khiến bạn không thể theo kịp kiến thức và bị sót ý cần note.
5. Phương pháp Mind Mapping
Khi nội dung bài giảng đặc biệt nhiều, phương pháp bản đồ là lựa chọn phù hợp cho bạn. Nó giúp sắp xếp các ghi chép bằng cách chia thành các nhánh, cho phép bạn thiết lập mối quan hệ giữa các ý với nhau. Bắt đầu bằng việc viết chủ đề chính ở đầu trang sau đó đi theo hình rễ cây, chia các ý/chủ đề phụ xuống bên dưới ý chính.
Kỹ thuật này hiệu quả nhất khi nội dung bài giảng nặng và bạn cần sắp xếp ghi chép theo một hình thức có cấu trúc và dễ hiểu. Có thể được sử dụng để ghi lại thông tin chi tiết nhưng ở dạng ngắn gọn, dễ dành chỉnh sửa các ghi chú.
Tổng hợp một số phong cách ghi chú khác
Ở thế giới công nghệ hiện đại như bây giờ thì việc ghi chép trực tiếp, ghi chú nội dung đang dần phai nhạt, thế nhưng lại vô tình quên đi thật ra các phương pháp ghi chú đều hiệu quả và rất thông minh, hữu dụng hơn rất nhiều so với việc chỉ chụp hình, quay hình lại. Vì vậy mà 5 phương pháp ghi chú trên đây sẽ là thứ giúp bạn nâng cao kỹ năng lưu trữ lại những nội dung một cách có cấu trúc, cải thiện khả năng ghi nhớ, tiện lợi hơn cho việc ôn tập rèn luyện.
Kommentare