Để có thể thực hiện được một màn trình diễn hoàn hảo trên sân khấu, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ đến từ nhiều bộ phận khác nhau. Một sân khấu nhạc hoàn chỉnh không chỉ đơn giản phụ thuộc vào việc người ca sĩ có hoàn thành tốt bài hát hay không mà đằng sau đó còn cần cả một hậu phương vững chắc. Một trong những đôi tay kỳ diệu, vận hành những các thiết bị âm thanh một cách điêu luyện – kỹ sư âm thanh hay còn gọi là sound engineer, đã và luôn là một vai trò không thể thiếu ở bất kỳ sân khấu nào. Vậy thì hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem sự màu nhiệm đằng sau đôi tay ấy nhé.
Sound engineer
Sound engineer hay còn được gọi là kỹ sư âm thanh là những người trực tiếp điều khiển những thiết bị âm thanh để tạo ra những âm thanh sống động và phù hợp với từng sự kiện, từng giai đoạn bài hát và từng giọng hát của mỗi ca sĩ. Những kỹ sư âm thanh được xem là một hậu phương vững chắc, đóng góp thầm lặng phía sau sân khấu để điều khiển các thiết bị âm thanh, giúp cho ca sĩ và bài hát có thể được hoàn thành trọn vẹn và mang lại cảm xúc sống động nhất cho khán giả.
Kỹ sư âm thanh vận hành điêu luyện các máy móc, thiết bị để đồng bộ hóa, phối âm hoặc sao chép các hiệu ứng về âm thanh, giọng nói và âm nhạc, đưa bản nhạc đang được trình diễn đạt được cao trào và đưa xuống “nút thắt” chạm được vào cảm xúc hiện tại của các khán giả. Kỹ sư âm thanh là người thiết kế, lắp đặt các hệ thống âm thanh để tạo ra những âm hưởng, giai điệu ngọt ngào và êm ái khiến cho người nghe được thả hồn bay bổng là một điều khá khó khăn nên rất cần những người thực sự có năng khiếu và kỹ thuật cao.
Kỹ sư âm thanh là một nghề không mới nhưng ở Việt Nam đây là lại một ngành nghề còn khá non trẻ, lạ lẫm với nhiều người. Tuy vậy , cùng với sự phát triển của âm nhạc, nghệ thuật quốc tế, các kỹ sư âm thanh đang ngày một nhiều hơn và đang phát triển, mang tới nhiều triển vọng và cơ hội cho những người đam mê làm việc với các thiết bị chỉnh âm và chỉ làm việc phía sau sân khấu. Bởi vì công việc của những kỹ sư âm thanh là ở phía sau cánh gà, là một trợ thủ đắc lực của những người trình diễn. Phối hợp các thiết bị chỉnh âm sao cho khi âm thanh trình diễn không bị quá phô hay lệch, có thể nói các kỹ sư âm thanh có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong tổng thể của phần trình diễn.
Mặc dù khó khăn nhưng kỹ sư âm thanh hiện nay lại được khá nhiều các bạn trẻ chuộng mà theo đuổi, bởi làm nghề thì khó nhưng âm nhạc tạo ra lại chữa lành tất cả.
Vai trò của sound engineer
Kỹ sư âm thanh được ví như một phù thủy âm nhạc, với đôi tay kỳ diệu, các kỹ sư âm thanh có thể quyết định xem âm thanh và bài hát sẽ được diễn ra như thế nào. Trên các sân khấu âm nhạc, trong các phần trình diễn của các ca sĩ, kỹ sư âm thanh buộc phải nắm được điểm cao trào và điểm chạm cảm xúc của phần trình diễn đó nhằm hiệu chỉnh các thiết bị âm thanh sao cho phù hợp.
Nếu ta ví cả phần trình diễn nghệ thuật là một cuốn sách hoàn chỉnh thì tất cả những nghệ sĩ trình diễn, xuất hiện trên sân khấu mà khán giả nhìn thấy sẽ đóng vai trò là trang bìa đẹp lộng lẫy của cuốn sách đó còn các kỹ sư âm thanh sẽ là phần nội dung được viết, phần hồn của cuốn sách.
Trước mỗi phần trình diễn, các kỹ sư âm thanh cần phải thiết lập trước dàn âm thanh theo từng bối cảnh khác nhau. Do các tính chất khác nhau của mỗi chương trình và sân khấu trình diễn mà các kỹ sư âm thanh luôn phải nghiên cứu về tính chất, quy mô và cách tổ chức, thực hiện để nghiên cứu, sáng tạo ra những cách phối nhạc độc đáo nhằm mục đích gây sự chú ý của người xem. Bên cạnh đó, các kỹ sư âm thanh luôn phải thường xuyên kiểm tra về sự hoạt động của dàn máy móc âm thanh, để đảm bảo các thiết bị sẽ hoạt động bình thường mà không có một chút trục trặc nào dẫn đến những sự kiện ngoài mong muốn.
Kỹ sư âm thanh là người duy nhất trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, họ phải làm việc với tất cả bộ phận có liên quan đến âm thanh như ca sĩ, dàn âm thanh, hậu đài, band nhạc và cả với các kỹ sư âm thanh khác. Các kỹ sư âm thanh buộc phải là người đóng vai trò kết nối các âm thanh trong xuyên suốt của phần trình diễn mà không khiến cho bất cứ âm thanh nào bị chênh, chồng âm, chéo âm hay phô nhịp. Kỹ sư âm thanh có vai trò như một cầu nối vững chắc giúp cho các âm thanh được diễn ra hoàn chỉnh.
Quan hệ mật thiết giữa ca sĩ và sound engineer
Trên sân khấu các ca sĩ, nghệ sĩ,… là phần thể xác tuyệt đẹp của một buổi trình diễn nhưng để phần thể xác này có thể truyền tải trọn vẹn ý nghĩa và cảm xúc của bài hát hoặc phần trình diễn thì kỹ sư âm thanh là các hồn của thể xác đó. Có thể nói, ca sĩ và kỹ sư âm thanh có quan hệ mật thiết với nhau, đôi bên gần như không thể tách rời khỏi bên còn lại. Bởi đa phần, để thể hiện được bài hát trực tiếp trên sân khấu, các ca sĩ cần dựa vào rất nhiều yếu tố khác nhau không chỉ dựa vào mỗi giọng hát của mình. Các yếu tố đó có thể bao gồm cả việc: micro của ca sĩ sẽ phát ra âm thanh như thế nào, các âm thanh phía sau có phối hợp nhịp nhàng với giọng hát ca sĩ không, hay âm hưởng và nhịp của bài hát có đi đúng với tông giọng của ca sĩ trình diễn hay không.
Các kỹ sư âm thanh sẽ điều chỉnh mức độ âm lượng to nhỏ, vang,… cho micro của ca sĩ và hiệu chỉnh các âm thanh xung quanh sao cho phù hợp nhất với tông giọng của người ca sĩ đang trình diễn. Ví như: nếu người trình diễn là một ca sĩ nữ có quãng giọng rộng và tông giọng cao thì các âm thanh xung quanh phải được các kỹ sư âm thanh điều chỉnh không được thấp hơn mức độ âm thanh của ca sĩ, hay đang lúc ca sĩ trình diễn một đoạn cảm xúc cao trào, kỹ sư âm thanh phải khéo léo điều chỉnh âm thanh sao cho tôn được giọng hát của ca sĩ ngay tại lúc đó.
Giữa ca sĩ và kỹ sư âm thanh, một bên là người thể hiện ca khúc, một bên là người hỗ trợ ca khúc. Cả hai vai trò này đều phục vụ chung một mục đích là tạo nên thành công cho phần trình diễn, nhưng kỹ sư âm thanh có thêm một nhiệm vụ chính là hỗ trợ đưa giọng hát của ca sĩ lên một tầm cao khác. Màu giọng của ca sĩ cũng chính là điểm mấu chốt quyết định xem người kỹ sư âm thanh sẽ thực hiện điều chỉnh ở mức độ nào. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như phong cách trình diễn, nhấn nhá, nhả chữ, lấy hơi,… của ca sĩ cũng thường được các kỹ sư âm thanh phối hợp điều chỉnh sao cho phù hợp với ca sĩ đó nhất.
Kỹ sư âm thanh khi làm việc với các ca sĩ với những màu giọng đặc trưng hoặc đặc biệt thì họ phải có những tư duy âm nhạc khác nhau nhằm giúp điều chỉnh sao cho âm sắc của những ca sĩ này phù hợp được với nhạc background. Với các màu giọng đặc biệt, kỹ sư âm thanh phải chú ý phần trình diễn của các ca sĩ này một cách kỹ càng để thực hiện điều chỉnh. Lấy một ví dụ đơn giản, đa số các ca sĩ nữ đều sẽ có một tông giọng cao nhưng khi làm việc với nữ ca sĩ Mỹ Hạnh, cô lại sở hữu một giọng hát trầm ngang với đàn ông nhưng trên cơ bản các nốt đều cao hơn so với giọng đàn ông, từ đó kỹ sư âm thanh phải chú ý rằng vị trí âm thanh của ca sĩ Mỹ Hạnh để điều chỉnh âm lượng to nhỏ cho đúng.
Hoặc bên cạnh đó ta có các trường hợp như ca sĩ Phương Thanh với khả năng chuyên hát xa mic, ca sĩ Trần Quang Hải với đồng song thanh hoặc ca sĩ Thu Minh với whistle C7, đây đều là những trường hợp đặc biệt mà các kỹ sư âm thanh khi làm việc chung phải chú ý xem vị trí âm thanh micro đang ở đâu để thực hiện điều chỉnh phù hợp nhằm gia tăng khả năng trình diễn và tôn lên giọng hát của họ.
Mối quan hệ tương trợ giữa band nhạc và sound engineer
Khác với ca sĩ, band nhạc thường sẽ bao gồm rất nhiều các nhạc công sử dụng đa dạng các loại nhạc cụ khác nhau, đó có thể là guitar, piano, bass, drum,... và còn nhiều hơn thế nữa. Việc một band nhạc trình diễn live trên sân khấu yêu cầu rất khắt khe và kỹ càng các mục liên quan đến vấn đề âm thanh được phát ra của các nhạc cụ. Kỹ sư âm thanh không chỉ hỗ trợ mỗi việc giọng hát ca sĩ được phát ra như thế nào mà họ còn buộc phải chắc chắn rằng âm nhạc background, âm thanh của nhạc cụ do band nhạc sử dụng được phát ra một cách rõ ràng, đẹp đẽ.
Khi thực hiện một buổi biểu diễn live tại các sân khấu lớn có sự góp mặt của band nhạc chơi nhạc trực tiếp, kỹ sư âm thanh cần phải chắc chắn rằng các thiết bị âm thanh và nhạc cụ phải đồng bộ hóa lẫn nhau, không xảy ra hiện tượng chồng chéo âm thanh. Kỹ sư âm thanh cũng phải liên tục kiểm tra tần số âm thanh của các nhạc cụ đang được chơi tại thời điểm buổi biểu diễn đang diễn ra nhằm điều chỉnh âm lượng tùy vào trạng thái của bài hát.
Để giọng hát của ca sĩ khi phát ra không bị lấn át bởi rất nhiều âm thanh của các nhạc cụ đằng sau, các kỹ sư âm thanh cần phải biết điều chỉnh âm sắc, tổ hợp lại bè phối của chính các nhạc cụ để âm thanh background không lấn hoàn toàn giọng của ca sĩ trình diễn. Đa số các kỹ sư âm thanh thường đều phải làm việc trước với các band nhạc để có thể tìm hiểu sâu được về thể loại nhạc mà họ đang chơi, điều này vô hình chung giúp cho kỹ sư âm thanh có thể ứng biến điều chỉnh âm lượng của từng loại nhạc cụ mà không gây ra hiện tượng chồng âm hay mất tiếng tạm thời.
Đối với các band nhạc rock, với đặc trưng cơ bản là nhiều tay chơi guitar, bass và một giọng ca cao nhưng lại phải sắc, các kỹ sư âm thanh phải tăng chỉnh âm thanh sao cho vừa tôn được tiếng guitar, bass đặc trưng của dòng nhạc rock mà cũng không làm mất đi giọng ca đầy “máu lửa” của ca sĩ. Hoặc nếu là một band nhạc nhẹ, indie thì kỹ sư âm thanh cần phải tiết chế âm sắc của trống và guitar để tôn lên được giọng hát của ca sĩ. Có thể nói, kỹ sư âm thanh chính là người quyết định xem band nhạc đó có truyền tải âm nhạc của họ đến với khán giả một cách rõ ràng, ý tứ thông qua các loại nhạc cụ hay không.
Sound engineer phụ thuộc vào từng môi trường
Không phải bất cứ bài hát, phần trình diễn nào cũng có cùng một công thức điều chỉnh âm thanh như nhau. Tùy vào các môi trường trình diễn và chủ thể khác nhau mà các kỹ sư âm thanh buộc phải ứng biến và thích nghi với âm thanh tại thời điểm đó.
Các kỹ sư âm thanh khi làm việc trong môi trường ngoài trời như sự kiện âm nhạc được tổ chức tại sân vận động, quảng trường hay công viên, phải đảm bảo được rằng các âm thanh từ band nhạc và giọng hát của ca sĩ được phát ra một cách rõ ràng mà không bị loãng âm do có quá nhiều tạp âm khác xen vào.
Một sự kiện ngoài trời lớn yêu cầu dàn âm thanh với quy mô lên đến hàng tỷ, đi kèm với khối lượng khán giả lớn, điều này đã tạo nên một môi trường ngoại cảnh với hơn 1000 âm thanh khác nhau đan xen tại cùng một thời điểm, đó có thể là âm thanh cổ vũ của khán giả, âm thanh nhạc cụ của một band nhạc lớn, âm thanh giọng hát của ca sĩ, âm thanh của các phương tiện ngoại cảnh khác như máy phun khói, xe cộ, lắp ráp. Các kỹ sư âm thanh làm việc cho các sự kiện âm nhạc cần phải có một đôi tai tập trung và tư duy âm nhạc chắc chắn để có thể theo được bài hát đang phát và giọng hát của ca sĩ hát live.
Bên cạnh đó, các kỹ sư âm thanh làm việc trong studio thì lại khác hoàn toàn. Studio là một môi trường khép kín và các thành phẩm âm nhạc sau khi được phát hành sẽ có âm sắc, nhấn nhá, âm điệu trong và rõ ràng hơn hát ngoài trời. Chính vì vậy, các kỹ sư âm thanh trong môi trường này làm việc đa số với ca sĩ, giọng hát của các ca sĩ là một chuyện nhưng người quyết định xem bài hát đó đi theo phong cách âm nhạc nào đa phần là do kỹ sư âm thanh. Các kỹ sư âm thanh sẽ điều chỉnh hợp lý các tông giọng nhằm mục đích giúp giọng hát của ca sĩ tiếp cận gần hơn với bài hát từ đó giúp cả bài hát lẫn giọng ca sĩ có thể hòa làm một hoặc đồng bộ phong cách trình diễn của ca sĩ đó với bài hát của họ.
Những yêu cầu đối với sound engineer
Là một kỹ sư âm thanh cần phải đảm bảo chính xác các âm thanh cần sử dụng trong các chương trình và sự kiện, đảm bảo mang tới sự hài lòng và ý nghĩa cho chương trình đó. Những kỹ sư âm thanh thường sẽ được yêu cầu về khả năng chuyên môn và kỹ năng khá cao để có thể phối hợp nhịp nhàng với toàn bộ chương trình.
Các kỹ sư âm thanh cần phải có sự nhanh nhạy, cảm ứng tốt với các loại âm thanh. Họ sẽ phải luôn nghe từng loại âm thanh tạo ra và đưa ra sự điều chỉnh cần thiết một cách chính xác, luôn phải có được một sự phản ứng tốt và nhanh nhạy đối với các phần trình diễn trên sân khấu.
Bên cạnh đó, một kỹ sư âm thanh cũng cần phải có một trí tưởng tượng tốt, có khả năng hình dung để cảm nhận được những hiệu ứng tốt, từ đó tạo ra được những âm thanh sắc nét, dung hòa được giữa âm thanh hậu trường và giọng hát của ca sĩ trình diễn. Và điều kiện tiên quyết nhất của một kỹ sư âm thanh chính là phải luôn có sự tự tin trong việc vận hành, điều chỉnh các hệ thống âm thanh cũng như phải có được một nền tảng chuyên môn cao về thiết bị và hiệu ứng âm thanh.
Có thể nói, kỹ sư âm thanh – sound engineer, đóng góp vai trò như một hậu phương vững chắc, như một phần tâm hồn của cả buổi trình diễn. Những nghệ sĩ vô danh với đôi tay và tai điêu luyện luôn túc trực phía sau cánh gà, trở thành người hỗ trợ đắc lực, người cộng sự có một không hai của các ca sĩ trình diễn.
Comments