Với Sự tinh tế trong trình diễn âm nhạc - Phần 1 đã gợi mở cho các bạn một số cách giúp cải thiện kỹ năng khi trình diễn, thì ở phần 2 này Quý mang đến cho các bạn những yếu tố cũng quan trọng không kém giúp sân khấu của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn, cùng tìm hiểu nhé.
8. Tinh tế trong cách đoán ý
Trong cách phần trình diễn, có các đoạn dằng (Tacet), chơi 1 tiết tấu cùng lúc (Tutti), chơi chậm dần (Rallentando) hay dừng nhịp tự do (Fermata),… những lúc thế này, các ban nhạc hay nghệ sĩ thiếu kinh nghiệm thường xuyên để xảy ra “sự bể dĩa” khi “kẻ trước người sau”, khiến tác phẩm và phần trình diễn thiếu sự chỉn chu, hoàn thiện, đôi lúc thành thảm họa sân khấu. Điều khiến các phần trình diễn này gặp tình trạng trên không chỉ bởi do kỹ năng đàn hát hay quá trình tập luyện, mà chính sự “nghe nhau” và “đoán ý” mới thật sự là điều quan trọng. Thật ra việc “lỡ tay thêm cái nữa” khi đàn, hát, hay chơi các bộ gõ là điều không hiếm thấy, với cả các show chuyên nghiệp, vì với số lượng bài quá lớn, một số nghệ sĩ thi thoảng vẫn quên bài và “bơi” đại theo. Thế nhưng, sự tinh ý nghe nhau và đoán ý của các nghệ sĩ chuyên nghiệp lại ở một trình độ khác. Thông thường, khi đến các đoạn đó, nếu không chắc vì không nhớ hoặc vì chưa tập luyện trước, các nghệ sĩ có kỹ năng tốt thường quan sát, đoán bắt ý của đồng đội rất nhanh nhạy, nếu không chắc, họ cố tình đánh nhẹ hoặc thậm chí không đánh để đảm bảo sự sạch sẽ nhất cho phần trình diễn.
Để có được kỹ năng này, bạn không cần phải tập luyện quá nhiều, bạn chỉ cần chịu khó quan sát đồng đội, tập cảm nhận và đoán biết suy nghĩ của đồng đội qua ánh mắt, nét mặt, động tác tay đàn, nhịp chân… Ban đầu có thể đoán nhầm vài lần, nhưng dần dẫn sẽ quen mặt, quen người và quen cái cảm giác thú vị này.
9. Tinh tế trong những khoảnh khắc chuyển đổi
Không ít lần đi xem các buổi biểu diễn, thường là các buổi nghiệp dư tại các phòng trà, cà phê… không ít khán giả có cảm khác không mượt mà khi sự thay đổi ca sĩ, ban nhạc và giữa các tiết mục thường xuyên có các khoảng lặng vô hồn và vô nghĩa. Dân làm nghệ thuật chuyên nghiệp hay tổ chức sự kiện thì gọi đây là khoảnh khắc “chết sân khấu”. Khi tương tác trên sân khấu, hàng chục, trăm (đối với sân khấu nhỏ) đến nghìn, chục nghìn (đối với sân khấu lớn) khán giả đang nhìn chằm chằm, việc để sân khấu im lặng vô nghĩa trong 2, 3 giây là điều không thể chấp nhận. Nó khiến chương trình không liền mạch, thiếu sự chuyên nghiệp và làm khán giả mất cảm xúc, mất hứng trong không gian nghệ thuật đó.
Giải pháp cho các sân khấu chuyên nghiệp đã có các đạo diễn lo, còn đối với các chương trình nhỏ, sân khấu nhỏ, có một số cách các bạn có thể tự cải thiện được trong các tình huống này:
Đối với ca sĩ, khi bước lên sân khấu, khi bạn báo bài cho ban nhạc, thường sẽ mất vài giây để ban nhạc kịp nhớ ra bài, lấy lược phổ (bản phối giản lược trên giấy) và trao đổi với các thành viên còn lại để thống nhất về tông giọng, tốc độ, nhịp điệu và nhạc cụ bắt đầu. Lúc này thay vì cứ nhìn rồi cười nói với ban nhạc, hay đứng đợi, trơ trơ nét mặt một cách vô tình thì bạn nên thử giới thiệu đôi nét về ca khúc bạn sẽ hát, về nhạc sĩ, về cảm xúc, hay về không gian tại nơi bạn đang diễn,… mục đích là câu giờ cho ban nhạc, khi bạn nói xong cũng là lúc nhạc vào, không gian luôn có sự liền lạc và khán giả không cần phải “ngồi chờ thời”.
Cũng đối với ca sĩ, khi hát xong, thay vì chào và đi xuống, các bạn chỉ cần nhớ tên người hát sau mình, mời họ lên trình diễn và không quên kêu gọi khán giả vỗ tay cho người sắp bước lên sân khấu bằng những lời giới thiệu đầy hấp dẫn. Một số trường hợp nhạy cảm là khi một nghệ sĩ hát xong, giới thiệu ca sĩ tiếp theo mà không biết họ tên gì rồi loay hoay hỏi tên nghệ sĩ đó ngay trên sân khấu. Điều này khiến khán giả cảm thấy bỡ ngỡ và người ca sĩ sắp lên cũng cảm thấy bị quê bởi lời giới thiệu thiếu trân trọng. Tên người là giá trị quan trọng nhất đối với mỗi người, bạn hãy cố gắng nhớ và đặc biệt là tên hay nghệ danh của người nghệ sĩ.
Đối với ban nhạc, khi có những khoảng lặng, cách đơn giản nhất là chơi một đoạn nhạc chuyển nhẹ nhàng để lấp đầy những khoảng trống đó. Bạn có thể đánh một bản nhạc dạo từ một ca khúc bất hủ quen thuộc nào đó, hoặc đơn giản hơn là các hợp âm rải. Muốn chuyên nghiệp hơn và cũng không kém phần phức tạp, đòi hỏi số nhạc cụ và hòa phối nhiều hơn, bạn có thể tìm nghe và tập trước các bản nhạc chuyên dùng cho các phần chuyển của các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp hoặc tự tạo ra cho mình các đoạn nhạc riêng mang chất riêng.
Đối với MC, những đoạn chuyển là lúc bạn thể hiện vai trò dẫn chuyện đầy hấp dẫn của mình. Phần trình diễn sẽ hay hơn, thu hút hơn khi người dẫn chuyện đưa được những câu chuyện thú vị trước mỗi phần trình diễn, và đương nhiên, nó giúp cảm xúc liền mạch trong suốt chương trình.
Đối với kỹ thuật viên âm thanh, trước buổi diễn, giữa các phần trình diễn và sau buổi diễn, bạn cần có các danh sách nhạc riêng biệt, phù hợp với cảm xúc, phong cách, chủ đề và không gian đêm nhạc để khi phù hợp, tiếng nhạc từ bàn điều khiển được nâng lên, tạo cảm giác liền lạc và hài hòa.
10. Giá trị tinh tế của sự im lặng trong âm nhạc
Trong một số trường hợp hiếm hoi, người nghệ sĩ có thể dẫn dắt khán giản vào không gian của sự im lặng hoặc sự vắng bóng tạm thời của một số nghệ sĩ. Điều này khiến khán giả thêm thú vị và trải nghiệm được nhiều cung bậc cảm xúc hơn.
Một đêm nhạc sẽ chán ngắt nếu như suốt 2 giờ liên tục, tác phẩm nào cũng có 1 ca sĩ và 3 nhạc sĩ chơi từ đầu đến cuối. Đôi khi, việc thể hiện một ca khúc chỉ với giọng hát của mình (Acapella) hoặc có thêm phần đệm (Accompaniment) của Guitar sẽ khiến không gian âm nhạc đa dạng và đầy cảm xúc hơn. Những tác phẩm ban nhạc cùng chơi, hãy thử thêm vào một vài đoạn “độc thoại” của giọng hát hoặc nhạc cụ. Hãy tưởng tượng một ca khúc bắt đầu với tiếng Violin réo rắt đơn độc, sẽ làm người nghe cảm thấy sự cô đơn, càng xé lòng hơn khi theo sau tiếng Violin đơn độc ấy ở cuối câu nhạc kết thúc bài là một khoảng lặng tuyệt đối chừng 3 giây trước khi có tiếng vỗ tay đầu tiên. Đó là những khoảnh khắc im lặng quý hơn vàng. Bạn nên nhớ, trong âm nhạc cũng có một dấu nhạc mang tên “Dấu lặng”, hãy tận dụng giá trị của từng chi tiết này. Để hiệu ứng này có hiệu quả nhất, bạn cần đảm bảo chuông điện thoại đã được tắt hẳn, các thiết bị gây tiếng động cũng không còn và tiếng giao tiếp lẫn nhau được giảm đến mức tối đa tránh làm tụt mất cảm xúc ấy.
Có liên quan nhẹ đến sự im lặng, mình gửi tặng các bạn video về phần trình diễn tác phẩm 4’33 của John Cage, cố gắng xem hết, bạn sẽ hiểu được giá trị của sự im lặng, nếu vẫn không hiểu, hãy tìm những bài phân tích về tác phẩm này nhé.
11. Tinh tế trong sử dụng không gian
Không gian nghe nhạc ở mỗi nơi sẽ khác nhau, người nghệ sĩ tinh tế sẽ có cách giao tiếp, lựa chọn ca khúc cũng như cách trình diễn khác nhau đối với mỗi không gian như thế nhằm tạo sự kết nối cảm xúc tốt nhất giúp khán giả cảm nhận trọn vẹn hơn. Hãy tưởng tượng, với một không gian ấm áp với hơn 40 khán giản, lời giới thiệu nhẹ nhàng, chất giọng ấm cúng của một nghệ sĩ cùng những bản Ballade lãng mạn sẽ phù hợp hơn nhiều so với những ca khúc sôi động, máu lửa. Để trở thành người nghệ sĩ tinh tế, bạn hãy bắt đầu quan sát nhiều hơn về không gian trình diễn và đối tượng khán giả để có cách dẫn dắt, giới thiệu, lựa chọn ca khúc cũng như phong cách biểu diễn phù hợp hơn.
Hãy xem cách Alicia Keys chia sẻ cảm xúc và âm nhạc của mình trong buổi tang lễ Whitney Houston
12. Tinh tế trong cách di chuyển trên sân khấu
Việc di chuyển trên sân khấu là điều hết sức đơn giản thế nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn không để ý điều này. Có những điều tuyệt đối nên tránh nhưng nhiều bạn vẫn chưa để ý.
Không nên đi thẳng từ dưới lên mà nên đi từ bên hông qua. Bạn có muốn biết lý do vì sao sân khấu có 2 cái “cánh gà” 2 bên không? Vì những sự chuẩn bị và xuất hiện của nghệ sĩ không cần để khán giả phải thấy. Khi bạn di chuyển từ dưới lên, thứ mà khán giả nhìn thấy là cái lưng và cặp mông của bạn, vậy nên, chúng ta cần tinh ý thêm chút nhé.
Khi đứng trên sân khấu, Không nên xoay mông về phía khán giả.
Không nên đứng quá sát “bức tường” nền sân khấu (Background).
Không nên đứng đơ ở một vị trí từ đầu đến cuối phần trình diễn.
Không nên chạy lên chạy xuống sân khấu khi tiết mục đang diễn ra, trừ trường hợp những sự cố đặc biệt nghiêm trọng như micro mất tín hiệu. Dù có xảy ra trường hợp đó, hãy bình tĩnh thể hiện tiếp dù không có micro, và hãy để phần việc còn lại cho kỹ thuật viên âm thanh sân khấu là người.
13. Tính tinh tế trong cách giao tiếp trên sân khấu
Khi cần giao tiếp, hãy ra dấu hiệu thay vì trao đổi, thậm chí nói to trên sân khấu, nếu ra hiệu quá 3 lần mà vẫn không giải quyết được việc đó thì hãy cam chịu và biểu diễn (trừ trường hợp bất khả kháng như không có tín hiệu âm thanh), vì khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán và bực dọc khi chờ đợi phần trình diễn mà chỉ nhận được sự trao đổi qua lại của những người nghệ sĩ trên sân khấu.
- Hãy tương tác, giao tiếp với khán giả nhiều hơn.
- Hãy luôn nở nụ cười khi giao tiếp trên sân khấu dù cho bạn có đang bực bội hay căng thẳng, vì khán giả không đáng phải nhận sự bực dọc từ bạn.
- Khi hát song ca, tam ca… bạn chỉ nên cười rồi hát chứ đừng để khán giả thấy các bạn như đang “talkshow” trên sân khấu, không nên nói to, nói nhỏ, ghé tai nhau…, điều các bạn cần làm chỉ đơn giản là hát và biểu diễn thật hay.
コメント