Ký âm và xướng âm (hay còn gọi tắt là Ký xướng âm) là kỹ năng rất quan trọng giúp người học hiểu được phương pháp, kỹ năng đọc nhạc và ghi nhạc. Vậy cụ thể ký xướng âm là gì, đóng vai trò như thế nào trong âm nhạc, hãy cùng doannhuocquy.vn tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
1. Ký là gì?
Ký xướng âm là kỹ năng quan trọng mà bất kỳ người học nhạc nào cũng cần nắm vững để cảm thụ được âm nhạc tốt nhất. Đây có thể được xem như “bài học vỡ lòng” của người học nhạc chuyên nghiệp.
Các thành phần chính trong ký xướng âm bao gồm: nốt nhạc, khóa nhạc, ký hiệu cao độ, ký hiệu trường độ và các ký hiệu bổ sung khác.
Ký xướng âm bao gồm Ký âm và Xướng âm.
2. Xướng âm là gì?
Xướng âm (đọc nhạc) là thuật ngữ chỉ việc nhìn vào bản nhạc được thể hiện bằng các nốt nhạc và ký hiệu âm nhạc để đọc lên đúng giai điệu của bản nhạc đó. Xướng âm giúp cho người học nhạc rèn luyện khả năng nghe nhạc, cách xác định và ghi nhớ cao độ âm thanh, đọc đúng cao độ và tiết tấu của tác phẩm. Xướng âm bao gồm 2 phương pháp là: Phương pháp cố định và Phương pháp bất định.
2.1. Phương pháp cố định
Phương pháp cố định (Fixed do) trong xướng âm là dùng các từ chỉ cao độ cố định với cao độ mà nó áp dụng, chẳng hạn, từ “Đô” chỉ được dùng với cao độ của nốt C mà thôi. Với phương pháp này thứ tự các từ chỉ cao độ ứng với nốt nhạc như sau: Đô – C, Rê – D, Mi – E, Fa – F, Sol – G, La – A, Si – B.
2.2. Phương pháp bất định
Phương pháp bất định (Movable do) là dùng từ chỉ cao độ với các cao độ khác nhau tùy theo từng trường hợp. Phương pháp bất định sử dụng bảy từ chỉ cao độ và áp dụng với bất cứ giọng nào. Khi đó người ta sử dụng số bậc trong thang âm để ghi nhớ và dịch chuyển sang các giọng khác nhau.
Hiện nay tại các trường và trung tâm đào tạo âm nhạc tại Việt Nam, phương pháp cố định là phương pháp xướng âm được giảng dạy phổ biến nhất.
3. Ký âm là gì?
Ký âm (hay ghi âm) là thuật ngữ chỉ việc nghe và chép lại bản nhạc dưới dạng các nốt nhạc và ký hiệu âm nhạc. Trái ngược với xướng âm là nhìn bản nhạc và đọc giai điệu, luyện tập ký âm là luyện tập kỹ năng nghe, ghi nhớ, nhận biết và chép lại giai điệu dưới dạng bản nhạc. Các bước tập nghe và ký âm một bài nhạc như sau:
3.1. Cảm âm
Cảm âm bao gồm tập nghe cao độ và tập nghe hợp âm.
Tập nghe cao độ: Nghe và phân biệt các nốt cao, nốt thấp. Trước khi tập nghe cao độ, bạn cần tập xướng âm các nốt cơ bản không dấu hóa (Ví dụ: Đồ - Đố, Mì - Mí,...). Khi hát quen cao độ các nốt đó, bạn sẽ ghi nhớ được các cao độ quen thuộc và nghe ra được cao độ đúng.
Tập nghe hợp âm: Hợp âm được cấu tạo bởi 2 quãng 3 chồng lên nhau, vậy nên trước khi nghe được hợp âm, bạn cần tập nghe quãng thuận (tức các cặp nốt như Đồ - Mi, Mi - Sol, Sol - Si,...). Sau khi nghe được các hợp âm đơn giản, bạn có thể tập luyện tiếp để nghe các hợp âm khó hơn. Lưu ý mỗi loại hợp âm sẽ có âm quan trọng tạo nên màu sắc hợp âm đó giúp bạn dễ dàng nhận ra hơn.
3.2. Ký âm
Để thực hiện ký âm một bài nhạc, bạn cần thực hiện các bước sau:
Ký âm cao độ: Bạn cần nghe và viết xuống các nốt nghe được, bao gồm cả các dấu hóa.
Ký âm tiết tấu: Cần xác định số phách, vẽ vạch nhịp theo số phách và số nhịp nghe được.
Ký âm hợp âm: Hợp âm đầu tiên mở đầu bài nhạc thường được dùng để xác định giọng của bài nhạc, từ đó giúp bạn xác định các hợp âm liên quan. Ngoài ra, ký âm giai điệu chính là sự kết hợp giữa ký âm cao độ và ký âm tiết tấu.
4. Vai trò của ký xướng âm trong âm nhạc
Ký xướng âm là kỹ năng rất quan trọng đối với người học nhạc và mong muốn theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp, bao gồm các lĩnh vực như sáng tác, hoà âm phối khí, chơi nhạc cụ và hát,…
Vai trò của ký xướng âm trong ngành âm nhạc được thể hiện như sau:
Lưu giữ và bảo tồn tác phẩm âm nhạc: Ký xướng âm giúp lưu lại bản nhạc dưới dạng văn bản, từ đó giúp bảo tồn bài nhạc qua nhiều thế hệ, hạn chế sai sót trong quá trình truyền đạt bài nhạc.
Nâng cao chất lượng biểu diễn: Việc nắm vững phương pháp ký xướng âm giúp các nhạc công trong cùng một dàn nhạc biểu diễn đúng và đồng đều, giúp phần biểu diễn trở nên thăng hoa hơn.
Truyền tải âm nhạc với quy mô quốc tế: Ký xướng âm được xem như ngôn ngữ quốc tế của ngành âm nhạc nói chung, tránh rào cản ngôn ngữ.
5. Lợi ích của việc học ký xướng âm
Ngoài vai trò đối với lĩnh vực âm nhạc nói chung, việc học ký xướng âm cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho người học như:- Tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc
- Có giọng hát tốt hơn, giúp bạn tự tin hơn trong các buổi biểu diễn hay giao lưu văn nghệ
- Tăng cường trí nhớ và sự nhanh nhạy trong tư duy
- Rèn luyện khả năng nghe
- Học và sử dụng nhạc cụ tốt hơn
6. Phương pháp rèn luyện ký xướng âm
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, việc rèn luyện kỹ năng ký xướng âm cần dựa trên các quy tắc sau:
6.1. Luyện tập theo từng phần nhỏ
Bạn hãy chia nhỏ bài nhạc thành từng câu, từng đoạn nhỏ để luyện tập. Sau khi thuần thục từng đoạn nhỏ, bạn có thể tiến hành ghép nối các đoạn nhỏ thành bài hoàn chỉnh.
6.2. Luyện tập lặp đi lặp lại
Để nhanh chóng trở nên thành thạo kỹ năng ký xướng âm, bạn hãy luyện tập thường xuyên, liên tục và lặp đi lặp lại để đạt hiệu quả cao nhất.
6.3. Luyện tập kết hợp với cảm nhận
Bên cạnh việc luyện tập thường xuyên, bạn cần giữ tinh thần tập trung lắng nghe và cảm nhận âm thanh. Việc kết hợp này sẽ giúp bạn nhạy cảm với âm thanh hơn và đạt được kỹ năng cảm âm tốt hơn rất nhiều so với chỉ luyện tập chăm chỉ một cách máy móc.
7. Học ký xướng âm có khó không?
Đối với những người mới học nhạc, câu hỏi luôn làm họ băn khoăn chính là “Ký xướng âm có khó không? Không biết ký xướng âm thì có thể học nhạc được không?”.
Câu trả lời chính là: Không biết ký xướng âm từ trước bạn vẫn có thể tham gia các khóa học nhạc bắt đầu từ cơ bản đến nâng cao. Tại các khóa học nhạc cơ bản, bạn sẽ được hướng dẫn và thực hành kỹ năng ký xướng âm, giúp bạn có thể theo đuổi đam mê âm nhạc một cách dễ dàng hơn.
Việc học ký xướng âm sẽ dễ dàng hơn đối với những người đã từng chơi bất kỳ một loại nhạc cụ nào trước đó. Còn đối với người chưa từng chơi nhạc cụ hay tiếp xúc với nhạc lý cơ bản thì quá trình học sẽ có thể gặp phải một số khó khăn nhất định ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên với sự kiên trì và nỗ lực, bạn sẽ sớm vượt qua những khó khăn đó và trở nên thành thạo kỹ năng ký xướng âm nói riêng và nhạc lý nói chung.
Tóm lại. ký xướng âm là một bộ môn cơ bản và hết sức quan trọng trong quá trình học nhạc chuyên nghiệp. Ngoài tính chất là môn học nền tảng, tập đọc hiểu một ngôn ngữ, ngôn ngữ âm nhạc, môn ký xướng âm còn giúp cho người học nâng cao cảm xúc âm nhạc qua việc tiếp xúc với những tác phẩm.
Commentaires