"Chả hiểu nổi bọn trẻ ngày nay nghe cái thứ âm nhạc gì nữa, thật là thất vọng!"
Câu này quen không? Quá quen chứ còn gì nữa! Chắc hẳn chúng ta phải nghe một vài lần trong đời
Thực tế là, ae đã quá già để tiếp nhận cái mới
Ae có tuổi luôn khen là nhạc xưa giàu giai điệu, giàu cảm xúc và ca từ có nghĩa, chứ giờ nhạc loạn hết cả lên, hát thì nghiến răng không rõ lời, ăn mặc thì phản cảm... nói chung là lố lăng, là là là...nhạc rác!
Biết đâu (có thể thôi, đoán thôi nhé), là cái âm nhạc giàu giai điệu giàu cảm xúc mà ae tôn thờ, ngày xưa cũng từng bị thế hệ đi trước nữa dè bỉu chê bôi thì sao?
Ví dụ, lứa 1920s đã từng chê hội 1960s nghe thứ nhạc uỷ mị, lai căng, chống đối, kích động, hưởng thụ, psychedelic ảo ma, thật hông thể chấp nhận được (???)
Mình liên tưởng tới anh chàng Gil trong Midnight in Paris du hành về thời hoàng kim cuối thế kỉ 19, rồi nghe ae thời đó than vãn, mong muốn trở về thời... Phục Hưng vì đó mới là thời hoàng kim thực sự. Gil chán quá bỏ đi, nhận ra rằng, hoá ra thời nào cũng có người bất hạnh chán ghét hiện tại và tôn sùng quá khứ...
Khi người ta già đi, gu nhạc sẽ giới hạn lại ở các bản nhạc xưa cũ mà họ nghe hồi thanh xuân, cái thời nông nổi tràn đầy năng lượng hi vọng hoài bão ước mơ rồi thất tình buồn chán "tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn". Khi ấy tự dưng tìm được bài nào đó hợp tâm trạng tự dưng nó là 1 liều thuốc cho trái tim đang bị tổn thương khiến người ta nghe mãi không ngừng. Từ đó sẽ định hình "đấy là nhạc hay"!
Có những nghiên cứu cho thấy gu nhạc được hình thành từ 14 tới 20 tuổi, chính là cái lúc mà ae nổi loạn nhất, cháy bỏng nhất, sống hết mình nhất.
Khi lớn, ae đối mặt hàng nghìn thứ phải lo. Lo nhiều nên tức nhiều. Tức từ con ranh con kém tuổi làm sếp chê mình già chậm chạp không biết xài AI sáng nay, cho tới thằng ngu nào đó đậu xe chặn hẻm, ráng lách qua, cố tránh vũng nước cống thối vì triều cường, lên nhà thấy vợ đang dạy con rap "tao đã phóng ở trên con mustang...", hàng xóm thì karaoke...
Khi đó bạn chỉ muốn chìm vào những giai điệu làm bạn thấy bình yên nhất để chữa lành:
"Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời"
Và thế là chả có nhu cầu nghe nhạc mới nữa. Nghe làm gì mất thời gian, chữa lành thì không, nghe vào tức hơn í chứ!
Nhưng mà cứ đổ lỗi cho tuổi già thì liệu có công bằng? Chắc gì họ đã nhận họ già. Trong các tranh luận, họ luôn phủ đầu bằng việc chê trách thẩm mĩ tụi trẻ trước mà?
Thế thì phải đổ lỗi cho thời đại rồi... đây nhé:
Ngày trước nghe nhạc khó khăn, đâu như bây giờ: vài chục nghìn một tháng được nghe triệu bài trên Spotify. Rồi đi vài bước chân gặp 1 nghệ sĩ indie tự sản xuất phối khí tự thu âm tự mix master tự phát hành. Cứ lên ziu tu be là lại thấy mọc ra đâu 1 nghệ sĩ hay ban nhạc nào đó có bài mới. Anh chị già hoảng sợ nhìn nhau hỏi "có khi nào thằng con mình cũng đang tập tành dăm ba cái thứ xướng ca vô loài này không, lo quá mình ơi"
Anh chị vào phòng con, thấy con đang đọc tài liệu về Pytago, thở phào nhẹ nhõm xoa đầu con cưng "con là tự hào của bố mẹ, hãy học toán văn anh mới có tương lai con ạ"
Cậu con trai chờ mãi anh chị ra khỏi phòng nó, sau đó lại dán mắt vào laptop gật gù vì đã hiểu vòng tròn bậc 5 của Pytago áp dụng cho hoà âm thế nào, đeo headphone lên vẽ lại các nốt midi cho hợp tai để kịp gửi cho ae. Tối mai tụi nó có 1 show underground mà bố mẹ tụi nó sẽ không bao giờ biết được ở đâu, bọn nó hát cái nhạc gì.
Vì có lần nó đã từng chia sẻ đam mê, sau đó bị bố mẹ nó mắng:
"Chả hiểu nổi bọn trẻ ngày nay nghe cái thứ âm nhạc gì nữa, thật là thất vọng!"
Nguồn: Haketu
Bạn Muốn Trở Thành Ca Sĩ?
Bạn Muốn Được Phát Triển Thành Nghệ Sĩ?
Bạn Muốn Được Học Theo Cách Một Nghệ Sĩ Được Huấn Luyện?
Comments