Dân ca quan họ Bắc Ninh là một trong những hình thức âm nhạc truyền thống độc đáo của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của con người xứ Kinh Bắc mà còn được ghi danh là một di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
1. Nguồn gốc của quan họ Bắc Ninh
Dân ca quan họ được hình thành khá lâu đời do cộng đồng người Việt ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam sáng tạo ra. Quan họ được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền miệng, từ đó có số lượng lớn bài hát với giai điệu đa dạng.
Người sáng tạo ra dân ca quan họ là những người nông dân Việt chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước. Dân ca quan họ là hình thức hát đối đáp giao duyên nam nữ, những người hát quan họ được gọi chung là các liền anh, liền chị. Chủ đề của dân ca quan họ thường là về tình yêu nam nữ, gia đình, làng xóm quê hương, dù hát không có nhạc đệm nhưng những âm điệu và sự luyến láy trữ tình của người hát làm cho người nghe có cảm giác như có nhạc đệm hòa trong lời hát.

2. Nét độc đáo của dân ca quan họ Bắc Ninh
2.1. Trang phục hát quan họ
Văn hóa nghệ thuật quan họ không chỉ được biểu hiện trên phương diện âm nhạc và hình thức hát đối đáp mà còn được thể hiện một cách tinh tế qua trang phục của người hát.
Trang phục quan họ có sự khác biệt giữa nam và nữ: Các liền anh thường mặc áo lụa, áo the, quần sớ, khăn xếp, mỗi người thường có một khăn tay bằng lụa hoặc bằng các loại vải trắng, rộng, gấp nếp, gài gọn trong vành khăn, thắt lưng hoặc trong túi trong. Các liền chị mặc mớ bảy mớ ba, áo tứ thân, yếm đào xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, đeo khuyên vàng, nhẫn bạc, xà tích. Bên cạnh đó, trong các buổi hát ngoài trời thì người nam thường che ô đen, người nữ che nghiêng nón quai thao làm tăng thêm vẻ dịu dàng, nền nã, đằm thắm của người con gái Kinh Bắc, làm đẹp thêm cho loại hình văn hóa dân gian vốn đã rất trữ tình.

2.2. Hình thức hát quan họ
Hát quan họ có 3 hình thức chính: Hát canh, hát thi lấy giải và hát hội.
Hát canh quan họ thường được tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu, nam và nữ ở các làng khác nhau mời nhau đến nhà hát một canh để chúc phúc cho nhau, để cho vui làng, vui xóm. Một canh hát thường kéo dài từ 7, 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng.
Hát hội quan họ là sinh hoạt văn nghệ bằng lời hát tại các hội làng. Hát hội thường kéo dài từ đầu tháng giêng đến hết tháng 2 âm lịch ở tất cả các hội trong vùng.
Hát quan họ là hình thức hát đôi đồng giọng: người hát dẫn, người hát luồn, hát đối đáp dẫn giọng, luồn giọng một cách điêu luyện. Giọng của hai người hát cặp với nhau phải có sự tương hợp đến mức gần như giống nhau, tạo ra sự thống nhất về âm thanh.
2.3. Ẩm thực quan họ
Ẩm thực quan họ mang đậm nét đặc trưng của vùng Kinh Bắc với miếng trầu têm cánh phượng hay cánh quế. Mâm cỗ đãi khách ở các làng quan họ gốc thường có ba tầng, được bày trên mâm đan, bát đàn, trong đó tầng trên cùng là để bày những món ăn đặc trưng của làng mình.
Các món còn lại trong mâm cỗ mà làng nào cũng có là thịt gà, giò lụa và thịt nạc, đồ ngọt thường có bánh phu thê, bánh cốm, chè đường,... Đặc biệt, vì để giữ giọng hát nên trong các món ăn tại các làng quan họ thường rất ít sử dụng dầu mỡ.
2.4. Lễ hội quan họ
Trong các lễ hội gắn liền với sinh hoạt dân ca quan họ Bắc Ninh, hội Lim là hội lớn và được nhiều người biết đến nhất. Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm trên đồi Lim (thuộc xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Ngoài hội Lim, tại Bắc Ninh còn có một số lễ hội quan họ khác như: Hội Diềm (làng Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), Hội làng Nhồi (phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh), Hội làng Bùi (Làng Bùi, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh),...
3. Dân ca quan họ Bắc Ninh trong văn hóa Việt Nam và thế giới
3.1. Dân ca quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Từ xa xưa, dân ca quan họ đã là một nét sinh hoạt rất đẹp và đặc trưng của người dân Kinh Bắc. Vào ngày 30/09/2009, cùng với ca trù, dân ca quan họ Bắc Ninh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ đây, loại hình dân ca này đã được đầu tư, nghiên cứu, bảo vệ và giữ gìn một cách toàn diện hơn trong văn hóa Việt Nam và quảng bá rộng rãi ra quốc tế.

3.2. Dân ca quan họ Bắc Ninh trong văn hóa đại chúng Việt Nam
Cùng với dòng chảy của văn hóa, dân ca quan họ vốn là hình thức âm nhạc truyền thống độc đáo của Việt Nam nay đã trở thành chất liệu đắt giá cho nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật.
Về mặt âm nhạc, dân ca quan họ được đưa vào làm chất liệu của một số bài hát tiêu biểu như sau: Tìm em trong chiều hội Lim, Hội làng mùa xuân (Nhạc sĩ Nguyễn Trung), Những cô gái quan họ (Nhạc sĩ Phó Đức Phương), Làng quan họ quê tôi (Thơ: Phan Hách - Nhạc: Nguyễn Trọng Tạo),...
Về mặt văn học, đã có rất nhiều nhà thơ đưa dân ca quan họ vào trong tác phẩm của mình: Anh lại về Lim (Nhà thơ Vũ Tuấn Anh), Nhớ đêm (Nhà thơ Nguyễn Tất Đình Vân), Nghe câu quan họ trên cao nguyên (Nhà thơ Hữu Chỉnh), Duyên Kinh Bắc (Tác giả Xuân Phong),...
4. Dân ca quan họ trong xu thế xã hội
4.1. Bước chuyển mình của dân ca quan họ trong thời hiện đại
Hiện nay, trước sự chuyển dịch của xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, văn hóa cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình văn hóa nghệ thuật mới, dân ca quan họ Bắc Ninh đã phát triển thêm nhiều hình thức và sinh hoạt mới, được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Ca nhạc quan họ, quan họ sân khấu, quan họ cải biên,... Ngoài ra, theo dòng chảy âm nhạc hiện đại, dân ca quan họ còn xuất hiện dưới dạng Karaoke quan họ, Mashup quan họ,...
4.2. Bảo vệ và giữ gìn dân ca quan họ trong thời hội nhập
Từ những năm 70 của Thế kỷ XX, Sở Văn hóa Hà Bắc đã tiến hành sưu tầm nghệ thuật dân ca quan họ. Hàng nghìn bài quan họ, bao gồm cả các dị bản đã được ghi âm tại các làng quan họ, với hàng trăm giọng hát của các nghệ nhân. Khoảng 300 bài Quan họ hay nhất đã được Nhà xuất bản Âm nhạc in thành sách.
Không chỉ nỗ lực ở phương diện bảo tồn và giữ gìn các bài quan họ, tỉnh Bắc Ninh còn chú trọng vào mặt tuyên truyền và giáo dục. Về tuyên truyền, tỉnh đã tổ chức rất nhiều các chương trình như Festival “Về miền quan họ”, định kỳ tổ chức "Canh hát Quan họ đêm Rằm" tại nhà chứa, tổ chức Liên hoan các CLB Quan họ, biểu diễn Quan họ trên thuyền... Về giáo dục, tỉnh đã xây dựng mô hình các lớp dạy, các câu lạc bộ quan họ, đưa dân ca quan họ trở thành một chương trình học trong các cấp cho học sinh nhằm mục đích kế thừa, giữ gìn sức sống của dân ca quan họ cho các thế hệ sau.
Biên tập và tổng hợp bởi đội ngũ Thầy Đoàn Nhược Quý dựa trên Kiến Thức, Trải Nghiệm Văn Hoá - Nghệ Thuật - Âm Nhạc của Thầy Đoàn Nhược Quý trong dự án Lifelong Learning nhằm mục đích tìm hiểu, bảo tồn, phát huy, kết nối và chia sẻ kiến thức Văn Hoá - Nghệ Thuật - Âm Nhạc đến các Học Viên Thầy Đoàn Nhược Quý trong Chương Trình Phát Triển Nghệ Sĩ Online 1 kèm 1.
Comments